Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

ÁP DỤNG MỚI NHẤT CỦA IPHONE




Nếu bạn dưới 20 tuổi thì tôi không cần giải thích iPhone là cái gì. Nếu bạn trên 20, có khả năng là bạn không biết, hay nghĩ đó là một cái điện thoại di động. Nhưng iPhone không đơn giản là để liên hệ điện thoại mà là một lối sống, một vật dụng gần như là được nhân cách hóa, một người tình đã dính vào thì bất khả ly thân.
Ở những nơi chưa mấy phát triển và chưa có sóng cao tốc (như Việt Nam) đó là một biểu tượng giai cấp, có chân dài thì phải có iPhone, mà có bạn gái chân dài thì càng phải có iPhone. Ở nơi không có cả sóng di động, đó là một biểu tượng quyền lực, tướng cướp cầm đầu 30 tay súng hay là tiểu sứ quân (như ở Congo) đeo ở trên ngực làm bùa.
iPhone trước hết là một cái dáng ở những nơi phổ biến, được ưa chuộng nhờ chức năng. Nhiều điện di động thu/phát hình, thu/phát nhạc, dùng được để xem phim, xem TV, nối mạng, chat, IM, viết truyện ngắn (như ở Nhật Bản) nhưng không cái nào tiện dụng bằng. iPhone là máy có nhiều “áp dụng” (applications) nhất, ngay cả những áp dụng chẳng để làm gì, điển hình là áp dụng “Gương”. Áp dụng này là một cái khung như là khung gương hay khung tranh hiện lên màn hình. Bạn cầm máy lên và soi mình trên mặt kính của máy, hỏi iPhone, iPhone, ai là người đẹp nhất vương quốc Apple? Chỉ có vậy, nếu không có áp dụng này thì vẫn có thể tự soi được trên máy, chỉ khác là không có khung thôi!
iPhone được sản xuất (lắp ráp), thì tại Trung Quốc chứ còn ở đâu. Nếu không có Trung Quốc thì ngư dân Việt Nam có thể mừng và vô tư vất lưới khắp Biển Đông nhưng người sử dụng iPhone tôi đồ rằng sẽ phải trả giá mỗi cái gấp đôi và như thế là lợi bất cập hại. Foxconn là một công ty Đài Loan hợp đồng với Apple để thực hiện việc này tại Thẩm Quyến.
Sun Danyong là một kỹ sư quản trị kinh doanh, 25 tuổi, quê ở Vân Nam heo hút và có thể nói là thành đạt. Quảng Đông nơi anh làm việc và cư ngụ là tỉnh phát triển mức nhất quốc gia. Mươi năm về trước, người miền Bắc có chuyện hài là thằng nào đi với thiếu nữ cao hơn một cái đầu thì nó chưa mở miệng ra “lớ” đã biết là người Quảng Đông, và Thẩm Quyến thực ra chẳng kém Hương Cảng là mấy.
Khi anh Sun về quê thăm nhà, trong xóm có bao nhiêu cô chưa chồng thì kéo nhau hết đến để mà e ấp hỏi chuyện miền xa. Thẩm Quyến đèn bao nhiêu màu, đến đoạn Danyong kể là làm cho công ty Đài Loan thì có cô đứng không vững nữa phải tựa vào cái gì, công ty này hợp đồng với Mỹ thì cô ta phải ngồi xuống, mà công ty Mỹ là Apple thì cô ta khó thở, bắt đầu quạt mạnh. Vậy chứ anh làm gì cho Apple? Biết Danyong làm về các mẫu iPhone mới, chưa có trên thị trường thì cô ta lăn ra xỉu.
Khi iPhone đầu tiên xuất hiện, đài TV một thành phố lớn ở Mỹ quay cảnh người tiêu dùng đứng xếp hàng cả ngày để mua cho bằng được một cái đã đã ngẫu nhiên phát hiện ra trong đám chầu chực này ông thị trưởng (CT UBND) của thành phố! Khi bị hỏi là thế thì ai đang lo việc làng, ông mới bẽn lẽn mà gọi trợ lý của ông đến xếp hàng mà đợi thay ông! Cho nên đoạn viết trước, tôi thấy tôi có thể dựa vào để hư cấu mà không hề cường điệu.
Anh Sun này, làm việc gì chính xác thì tôi không biết. Mới đây, anh được giao 16 cái iPhone để gửi về cho Apple ở Mỹ. Đây hình như là dạng hàng độc, còn ở giai đoạn thử nghiệm nhưng thế nào thì cũng chỉ có 15 cái đến nơi. Thiếu một cái, anh Sun làm mất hay là anh lấy để khoe với bạn gái (cô này không phải là cô hàng xóm đã nói mà là tiếp viên của hãng hàng không Hải Nam). Hay là anh bán cho điệp viên kỹ nghệ của Samsung để trang trải tiền tín dụng mua xe con Buick cho cô mới nói đến sau khi cô làm dữ và nhất định đòi? Không biết được.
Điều chắc chắn, là an ninh bảo vệ của Foxconn mời anh lên làm việc, giữ anh lại nhiều tiếng đồng hồ để hỏi cung, đến tận nhà anh lục soát và biểu diễn nghiệp vụ võ thuật. Ngày 16.7, ba hôm sau khi anh báo cáo là thiếu mất một cái iPhone đời thứ 4, Sun Danyong nhảy khỏi cửa sổ của nhà anh ở tầng 12.
Tư duy bôi bác thì có thể cho đây là một nạn nhân toàn cầu hoá, của hiện đại hoá, của chính sách lấy khu chế xuất mà bao vây nông thôn v.v. khiến mất một cái iPhone phải đổi bằng mạng. Nhưng tôi thì nghĩ, anh Sun này chắc đang thử nghiệm một áp dụng mới của iPhone mà không thành công. Chỉ mấy năm trước đây, 007 có mơ đến những chức năng của điện di động này cũng không thấy. Không ai cấm ta nghĩ là Sun Danyong thất bại khi thử nghiệm chức năng vẫn còn bí mật của iPhone đời 4 là hoá giải trọng lực và sức hút của Luật Newton (Apple và quả táo).
Từ tầng 12 nhảy xuống không cần dù mà chỉ cần application mới nhất này.

TIẾNG PHÁP TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM


Nguyễn Duy Bình 
Báo Tia Sáng 

Là một trong những ngôn ngữ được nhiều người nói nhất trên thế giới, được nhiều người ngợi ca là ngôn ngữ của văn hóa, tiếng Pháp đang có nguy cơ biến mất trong các chương trình đào tạo ở phổ thông cũng như ở các trường đại học. Đó là một thực tế đáng buồn và gần như không thể cưỡng lại trước sự thống trị gần như tuyệt đối của tiếng Anh. Thực tế này phản ánh phần nào sự khủng hoảng của văn hóa, của các bộ môn xã hội – nhân văn, và suy cho cùng, đó cũng là sự khủng hoảng của cả hệ thống giáo dục.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Pháp ngữ trong việc làm giàu tiếng Việt và văn hóa Việt. Sự tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ đã mang lại cho tiếng Việt một sự rõ ràng, chính xác và logic nhất định. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định điều này, trong đó có Phạm Quỳnh, Phan Ngọc. Năm 1937, Phạm Quỳnh viết: “Cách đây khoảng chừng mười lăm năm, ngôn ngữ của chúng ta còn diễn đạt suy nghĩ trừu tượng một cách vụng về. Bây giờ tiếng Việt đã trở nên uyển chuyển hơn. Tôi không tự mãn đến mức tin rằng được như thế là nhờ công của riêng tôi, nhưng tôi đã đóng góp rất nhiều và điều này nhờ vào hiểu biết của tôi về ngôn ngữ và văn học Pháp.”i Còn giáo sư Phan Ngọc thì nhận định: “Con đường tiếng Việt đã trải qua là sao phỏng ngữ pháp châu Âu, mà trước hết là sao phỏng ngữ pháp của Pháp.”i Ngày nay, học tiếng Pháp cũng là một cách để hiểu tiếng Việt, để học tiếng Việt. Ngoài ra, tiếng Pháp là ngôn ngữ nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội nhân văn. “Tiếng Pháp là ngôn ngữ nhân văn”, Rivarol viết. Pháp vẫn được đánh giá là một trong những nước phát triển nhất trong nghiên cứu nhân học, xã hội học, triết học, ngôn ngữ học, dân tộc học... Để hiểu Bourdieu, Foucault, Lévi-Strauss..., các nhà nghiên cứu nên có khả năng đọc các tài liệu trong nguyên bản tiếng Pháp. Hầu hết các tri thức lớn của Việt Nam đều biết tiếng Pháp….
Mặc dù thế, ở nhiều trường phổ thông, cao đẳng và đại học ở nước ta, tiếng Pháp gần như vắng bóng và tình trạng này càng ngày càng tồi tệ bởi thí sinh thi đại học ngày càng “kén” tiếng Pháp. Và khi vào đại học, hoặc lên học sau đại học, tiếng Anh vẫn luôn là một lựa chọn hàng đầu, nhiều khi mặc định. Theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, sinh viên chuyên ngữ được đào tạo tiếng Anh chiếm tỉ lệ 85%. Sinh viên tiếng Pháp chỉ chiếm 5,6%! Có nhiều người giải thích sở dĩ như vậy là do cơ hội việc làm mà ngôn ngữ này mang lại là không nhiều. Nhưng theo thiển ý của tôi, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn có những lý do khác sâu xa hơn. Thứ nhất, nền giáo dục chúng ta chưa thực sự chú trọng đến sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ trong các chương trình đào tạo. Thậm chí trong đề án 60 tỷ nói trên, khái niệm “đa dạng ngôn ngữ” hay đại loại như thế không hề được nhắc tới. Có nhiều người, thậm chí nhiều nhà quản lý đánh đồng ngoại ngữ với tiếng Anh, cứ nói đến ngoại ngữ là chỉ nghĩ đến tiếng Anh. Thứ hai, chúng ta chưa làm chưa tốt khâu định hướng cho học sinh và sinh viên. Có nhiều học sinh chọn tiếng Anh theo phong trào chứ chưa xuất phát từ nhu cầu phát triển của chính mình và định hướng nghề nghiệp. Sinh viên chọn học ngoại ngữ cũng thế. Chúng ta biết là số lượng tài liệu lịch sử Việt Nam giai đoạn Pháp thuộc bằng tiếng Pháp là rất nhiều, hiện đang được lưu trữ ở CAOM (Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại) của Pháp và các trung tâm lưu trữ, thư viện ở Việt Nam. Thế nhưng sinh viên khoa sử chỉ chọn ngoại ngữ là tiếng Anh. Còn sinh viên học văn học phương Tây lại đọc sai cả những cái tên của Rimbaud, Verlaine, Hugo, Balzac! Thứ ba, điều này cũng do sự lâm nguy của các khoa học nhân văn ở Việt Nam, vấn đề mà gần đây báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực. Lối sống thực dụng, lối học thực dụng, lối nghĩ thực dụng đã đưa đẩy các bạn trẻ đi đến chọn học tiếng Anh mà bỏ quên các thứ tiếng khác cũng không kém phần quan trọng là tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức v.v... Cuối cùng, có thể kể đến sự thiếu nhất quán trong (các) chính sách ngôn ngữ, ngoại ngữ của chúng ta: thời thì quá chú trọng tiếng Nga, thời thì quá chú trọng tiếng Pháp, thời thì quá chú trọng tiếng Anh... Sự thiếu triết lý giáo dục đã thực sự kéo theo sự thiếu triết lý ngôn ngữ: sự phát triển không đều của các chuyên ngành đào tạo đã kéo theo sự mất cân bằng giữa các ngoại ngữ. Trong khi ở Pháp, các trường đại học lớn hầu hết có giảng dạy tiếng Việt thì ở Việt Nam, có nhiều trường đại học lớn không giảng dạy tiếng Pháp. Ở Trường Đại học Nantes của Pháp, có một dự án đang được triển khai tên là “MoDiMes” (Nhập môn các ngôn ngữ ít người nói và ít được giảng dạy). Dự án do Hội đồng vùng Pays de la Loire tài trợ này nhằm giảng dạy miễn phí các ngôn ngữ ít được người biết đến cho cán bộ và sinh viên trường. Trong số 6 ngôn ngữ được chọn có .... tiếng Việt của chúng ta. Nếu như trường đại học nào ở Việt Nam cũng có một dự án tương tự thì sinh viên tiếng Pháp chuyên ngữ không sợ thất nghiệp, các giảng viên tiếng Pháp không phải “bẻ tay lái”. Đó là chưa kể có bao nhiêu cơ hội việc làm có sử dụng tiếng Pháp mà chúng ta chưa biết tạo ra trong các lĩnh vực nghiên cứu, báo chí, xuất bản v.v...
Chủ trương của chúng ta về hội nhập, về đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế chỉ được cụ thể hóa, giáo dục đại học Việt Nam chỉ có thể phát triển nếu như các nhà quản lý quan tâm đúng mức đến sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ mà chúng tôi đã nhắc ở trên. Anatole France có viết: “Ngôn ngữ Pháp là một người phụ nữ. Người phụ nữ này đẹp, kiêu kỳ, khiêm nhường, mạnh bạo, gợi cảm, quyến rũ, trong trắng, cao sang, thân thiện, điên rồ, khôn ngoan đến nỗi ai cũng yêu nàng với tất cả tâm hồn và không ai có ý đồ không chung thủy với nàng.”ii Nhìn lại những đóng góp của tiếng Pháp cho văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, chúng tôi thấy việc người Việt Nam quay lưng với tiếng Pháp như một sự không chung thủy, không chung thủy với tiếng Pháp và không chung thủy với chính mình. Rivarol viết: “Tất cả những gì không rõ ràng thì không phải tiếng Pháp.”i Chúng tôi xin viết lại: Tất cả những chương trình đào tạo đại học không tiếng Pháp là không rõ ràng.
----------
i Phạm Quỳnh, Essais franco-annamites, NXB Bùi Huy Tín, Huế, 1937. Tr. 203.
i Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học,  Hà Nội, 2002. Tr. 483
ii Les Matinées de la Villa Saïd, Bernard Grasset, 1921.  Tr. 174.
i “Discours de  l’universalité de la langue française”, Oeuvres, Paris, Didier, 1852. Tr. 111.

TÂN ĐẠI SỨ MỸ "CHẠM THẦN KINH" QUAN CHỨC TRUNG QUỐC



Nguyên Hải
Báo Tia Sáng 

Ông Gary Locke, tân Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, đã tạo ra cơn sốt trong dư luận đất nước có 1,3 tỷ dân này ngay từ hôm ông tới sân bay Bắc Kinh về cách hành xử của ông. Họ ngạc nhiên rồi chân thành ca ngợi ông hết lời, và nhân dịp này họ so sánh ông với các quan chức nước mình khiến ông ngạc nhiên và giới quan chức Trung Quốc khó chịu.
Vì sao có chuyện như vậy?
Hôm 13/8, Gary Locke, một người gốc Hoa 100% đem theo vợ con đến Bắc Kinh nhậm chức. Trang mạng Chính Nghĩa hôm ấy đưa tin: Khi ông ra khỏi sân bay, người ta thấy vợ chồng ông cùng 3 người con, trừ cô út 6 tuổi ra, tất cả đều khệ nệ tay xách nách mang hành lý, chẳng thấy nhân viên nào xách giúp. Tới bãi đỗ xe, ông dẫn cả nhà lên chiếc xe 7 chỗ, chứ không lên chiếc xe con có cắm cờ Mỹ dành riêng cho Đại sứ.
Dăm ngày sau, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức đến thăm Trung Quốc. Trưa hôm 18/8, sau khi hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc xong, ông Biden cùng cô cháu gái được Đại sứ Gary Locke dẫn đến ăn trưa tại một cửa hàng ngoài phố. Ông Biden từ chối lời mời vào phòng ăn riêng mà ngồi lẫn với các thực khách Trung Quốc tại phòng lớn. 5 vị khách Mỹ gọi 5 bát mỳ (45 Nhân dân tệ, 1 NDT đổi hơn 0,15 USD hoặc hơn 3.000 VNĐ), 10 bánh bao (10 NDT), một đĩa dưa chuột (6 NDT), 1 đĩa sơn dược trộn đường (8 NDT), 1 đĩa khoai tây chiên (6 NDT) và 2 chai Coca-cola (4 NDT), tất cả hết 79 NDT. Họ vừa ăn vừa thoải mái trò chuyện với các thực khách người Trung Quốc ngồi gần. Ăn xong, ông Biden rút ví lấy tờ 100 NDT (300.000 VNĐ) trả ông chủ, và không lấy tiền thừa, coi đó là tiền thưởng theo thói quen của người Mỹ. Ông còn xin lỗi các thực khách Trung Quốc và xin lỗi chủ cửa hàng là đã làm phiền họ (vì khiến nhiều người qua đường tò mò xúm vào xem).
Một số người Trung Quốc đã lấy điện thoại di động ra chụp ảnh cảnh bữa ăn và tung ảnh kèm thực đơn lên mạng. Lập tức hàng chục nghìn người truy cập tin này và tiếp tay truyền đi. Người ta đua nhau bình luận và không quên liên hệ với thói quan dạng, kênh kiệu, xa hoa lãng phí của các quan chức nước mình.
Phản ứng của giới chức Trung Quốc
Sự việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc tham gia dàn hợp xướng ca ngợi tác phong “giản dị, liêm khiết, gần dân” của vị Đại sứ Mỹ, đồng thời chê trách giới quan chức bản xứ đã làm cho không ít vị khó chịu tới giận dữ. Và khi không chịu được nữa, giới quan chức đã lên tiếng trên hai tờ báo lớn.
Ba ngày sau khi Gary Locke đến Bắc Kinh, bản điện tử Quang Minh Nhật Báo (báo lớn thứ hai ở nước này) hôm 16/8 đăng bài Cảnh giác với chủ nghĩa thực dân mới do Gary Locke đem lại. Bài báo gọi tác phong thanh liêm của Locke là “chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ”, và tỏ ý e ngại quan chức Mỹ sẽ “cướp mất” lòng dân Trung Quốc, lên án Mỹ có dụng ý bỉ ổi “lấy người Hoa trị người Hoa”, kích động sự rối loạn chính trị ở Trung Quốc. Nhưng cuối cùng bài báo lại than thở: “Nếu Đảng CSTQ không thể chủ động tự giác diệt trừ vi-rút quan liêu để giữ cho mình khỏe mạnh, thế thì chẳng khác gì để Gary Locke cướp mất lòng dân ta!”
Thời báo Hoàn Cầu (phụ trương của Nhân dân Nhật báo) ngày 22/9 đăng xã luận dưới tít Mong Gary Locke làm tốt (nhiệm vụ) Đại sứ  ở Trung Quốc, cảnh cáo không chút khách sáo: “Sự quan tâm mà Gary Locke nhận được (từ dư luận Trung Quốc) đã vượt xa vai trò một Đại sứ nên có”, chỉ trích ông dùng cách trình diễn bộ mặt liêm khiết để can thiệp dư luận Trung Quốc, làm tăng sự hiểu lầm và nghi ngờ giữa hai nước. Tác giả nhắc nhở: cái giá bảo đảm an ninh cho Phó Tổng thống Mỹ Biden ăn bữa mỳ ở một quán ăn đầu đường xó chợ Bắc Kinh còn cao hơn nhiều lần khi ông chén các món sơn hào hải vị trong nhà khách chính phủ. Bài báo còn răn dạy các cơ quan truyền thông Trung Quốc “nên có thái độ tự trọng” khi đưa tin về sự liêm khiết của Gary Locke.
Dư luận xã hội
Có điều không ngờ là hai bài báo trên đã gây phản tác dụng tai hại. Dư luận nước này nhao nhao hỏi: Vì sao tác phong của quan chức Mỹ lại “chạm thần kinh” quan chức Trung Quốc?
Một nhà báo viết: Phó Tổng thống cùng Đại sứ người ta cả đoàn 5 người ăn bữa trưa hết có 79 NDT, trong lúc mấy vị “đày tớ dân” cỡ tép riu của Hội Hồng Thập Tự chúng ta nhậu một bữa trưa hết hơn chục nghìn NDT thì được coi là chuyện bình thường. Thử hỏi ai sai ai đúng mà Thời báo Hoàn Cầu đổi trắng thay đen viết bài như vậy? Khó lắm mới có một vị Đại sứ huyết thống Trung Quốc đến nước ta, lại có tác phong liêm khiết như thế, điều đó đáng quý lắm chứ, cớ sao chúng tôi không xúc động?
Một luật sư Bắc Kinh nói bài xã luận ấy phản ánh lối tư duy của quan trường Trung Quốc. Tác phong bình dân của Gary Locke vốn dĩ là chuyện cực kỳ bình thường ở nước Mỹ, nhưng ở Trung Quốc lại trở thành lạc loài (ling lei). “Quan chức chính phủ Mỹ hoặc Trung Quốc đều sống bằng tiền đóng thuế của dân, lẽ ra phải gần dân, phải bình dân hóa chứ” – ông này nói. Trong cuộc họp báo hôm 13/9 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (họp ở Đại Liên, Trung Quốc), Gary Locke cũng nói đi máy bay hạng ghế phổ thông là quy chế chung từ năm 2010 của quan chức Mỹ, kể cả thành viên chính phủ.      
Trước sức ép dư luận, bài viết trên mạng Quang Minh Nhật Báo đăng được vài hôm đã phải gỡ xuống.
Nhân dịp này truyền thông Trung Quốc moi móc ra lắm chuyện kỳ quặc về tác phong của quan chức nước này.
Tạp chí Tân Thế kỷ đưa tin một huyện nghèo ở tỉnh Hồ Bắc bỏ ra 800.000 NDT (120.000 USD hoặc 2,4 tỷ VNĐ) để thết đãi mấy quan chức cấp tỉnh về huyện làm việc 20 ngày. Một người kể: một quan chức cấp Sở tỉnh Tứ Xuyên đến thăm nơi xảy động đất ở huyện Vấn Xuyên, trước khi đến cảnh sát phải dọn sạch hiện trường!
Mạng Đông Phương cho biết mới đây Cục Kiểm toán thành phố Hải Môn cử 24 cán bộ tiếp 15 quan chức Tứ Xuyên đến công tác 2 ngày 2 đêm, thời gian làm việc hết có 4 tiếng đồng hồ, còn lại là ăn nhậu, chơi bời, quà cáp, tốn hơn 100.000 NDT (300 triệu VNĐ).
Báo chí nước ngoài cũng lấy làm lạ trước phản ứng của dân Trung Quốc đối với tác phong sinh hoạt của Gary Locke. Báo The Christian Science Monitor đăng bài dưới tít Vì sao người Trung Quốc say mê Đại sứ Mỹ Gary Locke như vậy? (Why China seems so fascinated by US Ambassador Gary Locke?) Bài báo cho biết Tuần báo Kinh tế Trung Quốc đưa tin ông Gary Locke cùng gia đình xếp hàng như mọi người khác, chờ hơn 1 giờ để lên xe cáp treo thăm Vạn Lý Trường Thành mà không đòi hỏi ưu đãi nào. Và nhà bình luận của báo này nói công chúng Trung Quốc say sưa bàn chuyện ấy chủ yếu vì vị Đại sứ này tuy có khuôn mặt người Trung Quốc nhưng cách hành xử lại rất “không Trung Quốc”. Bài báo viết: Tại Trung Quốc, nơi dân chúng bức xúc vì “quan chức tham nhũng thành bệnh kinh niên”, hành vi khiêm nhường giống hệt một người bình thường của Gary Locke như làn gió mát giúp ông khi vừa tới Bắc Kinh đã được công chúng khen ngợi.
Dù ai nói gì đi nữa, Gary Locke với diện mạo một người Hoa chính cống, da vàng, tóc đen, mắt đen đã trở thành vị Đại sứ Mỹ thành công nhất ở Trung Quốc. Hình ảnh Gary Locke vai đeo ba lô, tay xách túi laptop, điện thoại di động giắt ngoài quần, dùng phiếu mua hàng giảm giá xếp hàng mua cà phê đã làm dân Trung Quốc hả hê khoái chí ca ngợi, tạo ra cơn sốt dư luận chưa từng thấy.

Nghĩ quanh quẩn về chủ đề "mưa" trong nhạc phẩm "Mưa Rơi" của nhạc sĩ Phạm Duy



Nhạc sĩ Phạm Duy có biệt tài là lôi những chi tiết, hình ảnh tầm thường ra, đặt chúng lên bàn mổ xẻ, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Tôi có thể kể vô số những bài nhạc nổi tiếng chỉ dựa trên những đề tài như vậy: "Đường Chiều Lá Rụng", "Nước Mắt Rơi","Mộng Du", "Chiều Về Trên Sông", hay những bài tôi có đọc lời mà chưa có dịp nghe kỹ lưỡng như "Một Bàn Tay", "Những Bàn Chân", v.v. Về sau này, nhạc sĩ làm ra hẳn những chủ đề riêng như Bé Ca, Nữ Ca, vì một bài thì không thể nói hết được những ý tưởng như "Ông Trăng Xuống Chơi", "Chú Bé Bắt Được Con Công", "Bé Bắt Dế", hay những chi tiết nhỏ nhặt như khói nhóm lửa trong "Đốt Lá Trên Sân", chỉ một ngọn lửa âm ỉ với làn khói trắng thôi mà ông đã mô tả thật tuyệt diệu là:
Khói, khói lên nhỏ nhoi
Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi
Khói, khói lên đầy vơi
Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi
Khói, khói lên đẹp ngời.


v.v. và v.v.

Theo tôi, sở dĩ có được một "repertoire" đa dạng như vậy là vì nhạc sĩ dám thử lửa, không những thử chỉ một bài, mà đã làm là làm luôn 10 bài. Không những viết Đạo Ca mà sau đó "chơi" luôn cả Tục Ca, không những viết Bé Ca mà còn đảm nhiệm luôn Nhục Tình Ca. Tính cách đó mới thật là của một người nghệ sĩ chân chính, không sợ dư luận mỉa mai hay chê cười, vì "đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây." Đó là một tính cách tự đạp đổ những gì mình đã xây ra, và luôn luôn làm mới con đường nghệ thuật của mình, không tự mình lắp con đường phía trước bằng những rào cản từ thành quả mình dày công xây dựng nên.

Trong khi những nghệ sĩ khác tự bó buộc vật liệu sáng tác của mình lại, như danh họa Chuck Close bỏ hết màu, chỉ vẽ tranh đen trắng, Piet Mondrian chỉ vẽ tranh bằng những hình chữ nhật với một lối phối màu nhất định, nhạc sĩ Phạm Duy la cà hết tất cả các chủ đề từ mưa tới nắng, bà già tới em bé, v.v. và v.v. Ai cũng có hay riêng, nhưng một người dám nới rộng địa bàn sáng tác của mình, không chỉ bó buộc trong "thân phận con người" chẳng hạn, thì tôi càng phục tài bội phần.

Nãy giờ nói chuyện lan man, ngắn gọn lại tôi muốn gửi đến các bạn bản nhạc "Mưa Rơi", phát hành trước 1975, rồi sau đó cùng ngồi lại chiêm nghiệm nhạc sĩ đã viết về chủ đề "mưa" ra sao.

***



***

Mời nghe 
Mưa Rơi - Hồng Hạnh trình bày

***
Mưa Rơi

(Saigon-1960)
Mưa rơi từ nghìn xưa, 
mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu Thiên Thu đến cho ta

Mưa đi từ tuổi thơ, 

mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ ...

mưa.

Mưa rơi từ nguồn xa, mưa tuôn về bao la
Mưa chia dòng lệ ra chín con thơ


Mưa trôi về đời ta, 

mưa xây nhà âm u
Mây giăng vải màn sô nuôi giấc mơ.


Mưa rơi vào lòng ta ! 

Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Mưa rơi, và còn rơi ! 

Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi !

Mưa rơi ngoài đường đêm, 

đưa em về nhà em
Mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm


Mưa rơi lạnh trời đen, 

mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm.


Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên
Ru nhe nhẹ một ca khúc không tên


Mưa to nhỏ triền miên, 

mưa trên đầu vô biên
Mây ấp ủ tình duyên thêm vững bền.


Mưa rơi vào lòng ta ! 

Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.
Mưa rơi, và còn rơi ! 

Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi !

***

Khác với nhiều bài đi từ cái riêng đến cái chung, bài này nói quanh co từ thời thượng cổ lan man đến tương lai, từ lúc còn thơ dại cho tới lúc biết yêu, rồi tới khi đi về lòng đất lạnh, lúc nào mưa cũng ở với ta:

Mưa rơi từ nghìn xưa, mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu Thiên Thu đến cho ta

Mưa đi từ tuổi thơ, mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa.


Bài nhạc này nếu để ý bạn sẽ thấy có bao nhiêu câu là có bấy nhiêu chữ mưa, do đó chữ mưa chiếm ít nhất 15% tổng số chữ của bản nhạc! Vì sao vậy, vì ai ở Sài gòn rồi thì biết, mưa liên miên, giờ này qua giờ nọ, rơi lộp độp rồi mạnh bạo trên mái tôn, nước mưa tuôn tràn máng hứng nước, lênh láng lòng đường. nếu cộng thêm chữ "rơi" vào nữa thì chắc hai chữ trên chiếm ít nhất 20% số chữ, vậy mới đúng là mưa rơi kiểu Sài gòn, lênh láng từ đầu tới cuối bản nhạc!

Hãy xem tác giả viết đôi dòng về nhạc phẩm "Mưa Rơi":
"Trong thời gian đầu của cuộc tình, tôi soạn những bài xưng tụng tình yêu của chính tôi. Tôi thường đưa người yêu đi học trong khi mưa rơi trên phố xá Saigon ban chiều hay ban đêm. Là vạn cổ sầu của Ðặng Thế Phong, mưa rơi đối với tôi cũng là sầu thiên thu, nhưng còn là hạnh phúc địa đàng nữa..." (Phạm Duy - Ngàn Lời Ca)

Mưa không chỉ là một hình tượng, sự kiện, mưa còn được mô tả thật đẹp như nguồn cung cấp nước vô tận của thiên nhiên cho dòng Cửu Long để nuôi sống Miền Nam nước Việt. Và cũng như mưa, mây được hình tượng hóa thành một vải màn sô giăng lên để nuôi dưỡng những giấc mơ hiền lành và êm đẹp.

Thế rồi, nhạc sĩ đặt câu hỏi:


Mưa rơi vào lòng ta ! 
Mưa rơi vào tình ta !
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta.


Phải chăng mưa chỉ là điều ngẫu nhiên, không liên can gì đến chúng ta, hay mưa có mục đích là mưa xảy ra là vì chúng ta, là để giúp chúng ta? Câu hỏi này coi bộ khó, vì nó mang tính triết học, nhưng dầu sao đi nữa, câu hỏi đã được bật ra, chúng ta "take it for granted", coi mưa như là "chuyện thường ngày ở huyện", nếu ngày nào đó mưa không rơi nữa thì sao???

Thì nhớ quay quắt về một thời thơ ấu tắm mưa Sài gòn chứ sao nữa! khi nơi chốn Tiểu Sài Gòn mình đang ở hầu như mỗi năm chỉ mưa khoảng mươi, mười lăm ngày là cùng!!!
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi ! Với tôi "người ơi" ở đây còn gì khác hơn là những trận mưa hè dai dẳng, là nỗi nhớ Sài gòn xưa không bao giờ nguôi.

Sang đoạn hai,
Mưa rơi ngoài đường đêm, 
đưa em về nhà em
Mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm


Mưa rơi lạnh trời đen, 

mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm.


Cái này sao tôi thấy coi bộ "
đường xa ướt mưa", sao ... anh không ở lại đây .. cho đến hết cơn mưa rồi hẵng zìa???? Mà cứ mưa triền miên dzậy thì làm sao ... zìa đây ???? Cứ đọc thêm đoạn kế tiếp là biết liền, vì mưa rơi ngoài hè đêm, còn mình ở trong nhà mà, mưa trên đầu vô biên không biết bao giờ mới hết ... mưa.
Mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên
Ru nhe nhẹ một ca khúc không tên


Mưa to nhỏ triền miên, 

mưa trên đầu vô biên
Mây ấp ủ tình duyên thêm vững bền.


***

Vì cả bài nhạc xoay quanh và lặp đi lặp lại chủ đề "mưa" như vậy,
 theo đúng binh phápthì nhạc cũng phải xoay quanh một trụ, chứ không được chạy lan man. Trong bài nhạc một dấu giáng này, cái trụ đó không có gì khác hơn là hợp âm Re thứ Dm, mà trong đó nốt chính là nốt chủ âm Re. Trong các bài nhạc, thường thì nhạc có khuynh hướng đi lên, sau đó đi xuống, bài này nói chung cũng không là ngoại lệ, nhưng bạn thấy câu đầu khác cái ở chỗ là nó bắt đầu từ Re, sau đó đi xuống Si và La rồi trở lên lại Re, có lẽ mục đích để theo lời ca bắt nguồn từ nghìn xưa, từ tuổi thơ, trước khi đến thời đểm hiện tại là nốt chủ âm Re trưởng.




Sau đó, nhạc tuần tự như tiến đi theo hợp âm Re thứ từ từ lên nốt Fa, nốt La, rồi đến nốt Si rồi cuối cùng trở về nốt La. Tôi nghĩ mục đích của chuyển động này là tạo cảm giác như cơn mưa dầm dề, lê thê, dâng từ từ


Cái đặc biệt trong nhạc Phạm Duy là bài nào ông cũng tìm cách làm mới lạ hơn các bài đã làm, lần này ông "để" vào một 
chuyển cung. Trong bài, chỗ chuyển cung đó bất chợt rơi vào giữa đoạn, khi tác giả cho hợp âm "chùng" xuống cả ba nốt Re Fa La một quãng hai (whole step) thành Do Mi b Sol, tức là giới thiệu thêm hai nốt Mi giáng và La giáng vào bài nhạc.


Cái thú vị là nhạc sĩ chỉ chuyển cung một trường canh thôi, sau đó nhạc lại trả về cung Re thứ như cũ, nhưng cũng đủ làm cho ta xốn xang, bồi hồi, hệt như khi ta hít vào mùi ẩm ướt của đất khi được mưa chợt tuôn trào.

Sau khi hát đủ hai phiên khúc, với khoảng cách giữa các nốt cố tình làm cho không lớn hơn quãng 3, nhạc sĩ đã taọ một không khí thật khác lạ bằng cách đẩy các nốt nhạc lên một bát độ, đồng thời tạo nên nhiều quãng lớn (La đến Ré:
 lòng ta), nghe rõ là quãng bốn hơn vì ở hẳn một bát độ cao hơn, không như ở phiên khúc, hoặc rải nhanh các nốt từ Ré xuống Re chỉ trong 4 nốt (câu: có hay chăng là ..) Đây là thủ pháp làm điệp khúc tương phản rõ nét với phiên khúc, một đằng thì nốt dưới thấp và quãng nhỏ, một đằng thì nốt cao và quãng nhảy lớn.

Cuối cùng, để tri ân và khẳng định lòng yêu thương và biết ơn thiên nhiên thông qua hình tượng mưa, nhạc sĩ cho ta 
đi lại từ đầu phiên khúc với gần trọn nửa đoạn đầu, chỉ thay đổi ba nốt cuối cao vút lên đến nốt Ré, có lẽ là nốt biểu tượng cho mưa trên đầu vô biênmây giăng vải màn sô nuôi giấc mơ!


Vì trong điệp khúc cũng có phần lớn phiên khúc, như đã mô tả ở trên, khi hát xong bài ta thấy đoạn nhạc
Mưa rơi từ nghìn xưa, mưa rơi về nẻo mơ
Mưa đem sầu Thiên Thu đến cho ta

được 
nhắc đi nhắc lại sáu lần, vậy là mưa dầm dề rồi chứ còn gì nữa. Tuy vậy, cú chuyển cung sang Do thứ ở giữa phiên khúc đã làm người nghe không cảm thấy chán nản vì sự lặp đi lặp lại này, ngược lại làm bài nhạc tươi mát hẳn đi.

Học trò

Tìm Hiểu về Bộ Não Con Người và Óc Sáng Tạo


Có bao giờ bạn đặt câu hỏi, trí nhớ (memory) từ đâu mà có hay không? Tại sao có người nhớ dai, người hay quên, v.v.? Rồi bịnh tự kỷ (autism) có liên can đến bộ não ra sao? Trong suốt năm vừa qua, người làm show phỏng vấn Charlie Rose đã cùng với khoa học gia Eric Kandel, người đoạt giải thưởng Nobel y học năm 2000, làm một loạt bài giới thiệu, phỏng vấn, trao đổi với các khoa học gia hàng đầu của phương Tây.
http://www.charlierose.com/view/collection/10702


 

Trong loạt bài ấy, hai người đã giới thiệu cho chúng ta bộ não hoạt động ra sao, từ lúc lọt lòng mẹ, tới khi già yếu và bị các căn bệnh về tuổi già như Parkinson, Alzheimer, v.v. Có 12 videos với các để tài như sau:
  1. The Great Mysteries of the Human Brain
  2. The Perceiving Brain
  3. The Acting Brain
  4. The Social Brain
  5. The Developing Brain
  6. The Aging Brain
  7. The Emotional and Vulnerable Brain
  8. The Anxious Brain
  9. The Mentally Ill Brain
  10. The Disordered Brain
  11. The Deciding Brain
  12. The Creative Brain
Riêng tôi rất thu hút bởi video sau cùng, nói về Óc Sáng Tạo của con người. Hai ông Rose và Kandel cũng đã bàn luận với hai nghệ sĩ tên tuổi của Hoa Kỳ là Chuck Close và Richard Sierra.
http://www.charlierose.com/view/interview/11264?sponsor_id=1

Video này cũng có transcript nữa, nên bạn cũng có thể đọc theo để nắm bắt nội dung nếu nghe sót.
Vài nét về Họa Sĩ Chuck Close
Chuck Close là một họa sĩ lớn của Hoa Kỳ, ông chụp mặt người thân, bạn bè của ông, rồi kẻ ô carô và vẽ lại theo cách của ông. Nghe qua thì giống như vẽ truyền thần, nhưng thực ra không phải vậy. Portrait ông chụp đã có tính nghệ thuật trong đó rồi, ông lại vẽ rất lớn, khuôn mặt nào cũng cao bằng hai ba lần chiều cao người thường, mỗi ô vuông nhỏ lại là một tiểu phẩm nghệ thuật. Người xem phải đi ra đi vào để tìm thấy mặt người trong các ô vuông đó. Ông bị hai thứ bịnh: không nhận dạng được mặt người, khi nhìn lần thứ hai người gặp trước, ông không biết họ là ai vì đã quên mặt rồi. Ông còn bị bịnh liệt từ năm 1990 thì phải, do đó ông vẽ rất khó khăn.

Một hình nhìn gần do Chuck Close vẽ

Có nhiều ý tưởng ông đề ra rất thú vị, tôi mới nghe lần đầu:

- Phải giới hạn môi trường làm việc cực kỳ tối thiểu, thì óc sáng tạo mới có cơ nảy nở. Trước kia ông không giới hạn, vẽ đủ thứ, từ khi ông quăng cọ và màu đi, chỉ vẽ trắng đen thì ông mới có nhiều ý tưởng lạ từ sự tự giới hạn.

- "
Cảm hứng là danh từ dành cho dân nghiệp dư, bọn chúng tôi chỉ làm việc như nhên viên công chức, đều đặn hằng ngày." Ông nói, ông không thể chờ cảm hứng đến với ông, vì nó ít khi xảy ra, cũng như ta chờ sung rụng hay "sét đánh" (chữ của ông) vậy. Chỉ qua quá trình làm việc hằng ngày, giải những bài toán xảy ra trong khi vẽ, mới tạo kết quả.

Môi trường cho óc sáng tạo phát triển?
Ngồi chung quanh bàn tròn là những bộ óc rất thông minh, bày tỏ ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình về câu hỏi, thế nào là óc sáng tạo. 
What is the creative mind?

Điều họ cùng đồng ý là phải có môi trường thích hợp để óc sáng tạo có cơ hội phát triển. Với hai nghệ sĩ Chuck Close và Richard Serra là do họ cùng lứa, học cùng trường Yale. Họ cũng lấy các thí dụ khác như các họa sĩ phái ấn tượng cuối thế kỷ 19, rồi thành phố thơ mộng Florence bên Ý thời Phục Hưng, v.v.

Điều này càng làm tôi thích thú vì rất đúng trong trường hợp của nhóm Beatles và ABBA, hai nhóm này rực sáng vì những thành viên làm việc cùng nhau, người này tương tác và xây dựng tiếp ý tưởng trên ý tưởng người kia, v.v. Khi họ rã đám thì ta cũng thấy kết quả làm việc riêng của họ - các bài hát - cũng kém chất lượng hẳn đi.
Ai cũng có óc sáng tạo
Các tác giả đồng ý là ai cũng có óc sáng tạo hết, chẳng phải chi có nghệ sĩ mới có. Điều này làm tôi rất thích thú vì nó giải thích được tại sao tôi chọn nghề của mình là một lập trình viên.. Tôi khoái viết programming. Tôi có ước muốn tự thân muốn tự động hóa các công việc nhàm chán thường ngày, làm chúng nhanh hơn. Viết mà không cần nhận thưởng, vì phần thưởng lớn nhất là những "ah-ha" nho nhỏ khi làm thành công một bước nhỏ trong một bước lớn, hay những trăn trở tìm cách giải khi bị bế tắc, v.v. Hai nghệ nhân trong video cũng nói, đại loại là tôi không thức dậy hôm nay và nói là mình sẽ sáng tạo một điều mới, mà chỉ đơn thuần là làm việc tiếp để tiếp tục giải bài toán ngày hôm qua chưa làm xong, cứ như thế, như thế ...
Đối chiếu với kinh nghiệm bản thân

Họa sĩ Chuck Close có nói trong video là:
I think problem solving is not the issue.  I think that’s a problem creation.  What we did was try and find a way to ask questions of ourselves that no one else’s answers would fit, and then the search was on.  

Tôi tạm dịch:
Tôi nghĩ giải quyết bài toán không phải là điều đáng bàn ở đây. Tôi lại nghĩ đó là việctạo ra bài toán. Việc chúng tôi làm là tìm kiếm và tìm ra cách thức đặt vấn đề cho chúng tôi, mà người khác không có lời giải hoặc không phù hợp, thế là chúng tôi lao vào tìm kiếm.

Điều ông ấy đặt ra là thế này. Ổng rất ngưỡng mộ các thế hệ đàn anh đi trước, trong khi đang là sinh viên ông ta vẽ theo rất nhiều. Ông ta còn giỡn là ông ta vẽ tranh theo trường phái De Kooning còn nhiều hơn chính De Kooning vẽ nữa. Thế nhưng ông ta không muốn chỉ là một tên thợ vẽ, không có sáng tạo, chỉ theo lối mòn người đi trước đã khai phá. Vậy nên một ngày đẹp trời, ông ta quăng hết cọ đi và cả những thỏi màu, và chỉ vẽ bằng đen trắng, cũng như tìm ra lối vẽ phóng lớn từ ảnh nhưng đầy tính nghệ thuật, cũng rất phù hợp với căn bệnh "không nhớ mặt người" của ông.

Suy nghĩ nhiều về video đó, tôi thấy con đường làm web của tôi cũng hệt như vậy. Không muốn chỉ là một member của một forum, cũng không muốn tốn tiền mua web server và có trang nhà riêng, năm 2006 tôi thử đi vào con đường "blogging" của hãng Google. Kết quả rất mỹ mãn, vì tôi có trang nhà riêng, lại tha hồ được áp dụng các kỹ thuật đã được học ở đại học để ứng dụng vào viết web với JavaScript.

Thế rồi cách đây hơn một năm tôi nảy ra ý muốn thu nhặt các YouTube videos xa xưa, mà các nhạc sĩ Việt Nam đã bỏ công khó ra dịch lời Việt, rồi đem về ráp chúng vào để nghe. Từ từ tôi tìm luôn cả 20, 30 videos rồi cho vào chung một trang. Việc này rất dễ, chỉ cần cut-and-paste nhiều lần, nhưng cái dở là trang dài lắm. Thế là tôi "tạo ra bài toán" (problem creation) cho riêng mình - như họa sị Chuck Close đã mô tả - là tạo ra nhiều links mà chỉ cần một cửa sổ YouTube, để tiết kiệm chỗ cũng như thời gian. Khó khăn thì nhiều, nhưng kết quả rất khả quan. Tôi đang làm một trang có rất nhiều bản nhạc xưa nay của Pháp, Mỹ, có bao nhiêu links cũng được. Đặc biệt vì tính tôi rất lười, nên tôi cũng không muốn phải chọn bài khi vào một trang mới nữa, nên tôi chế ra để máy chạy tự động hết từ bài này sang bài khác. Trang đó ở đây:
http://hoctroyoutube2010.blogspot.com/


Tôi nghiệm thấy tôi làm hệt theo cách Chuck Close mô tả: "
Cảm hứng là danh từ dành cho dân nghiệp dư, bọn chúng tôi chỉ làm việc như nhên viên công chức, đều đặn hằng ngày." Chỉ có qua suy nghĩ về một trang có YouTube, rồi chăm chỉ hằng ngày viết mã để hoàn thiện tính năng và thêm các tính năng mới, mà cuối cùng tôi đã có một sản phẩm rất đặc trưng (unique) bảo đảm chưa ai nghĩ ra trên mạng lưới toàn cầu, kể cả dân Anh hay Mỹ. Đặc biệt ở chỗ khi thích bài nào thì ấn vào bài đó, danh sách bài rất dễ đọc và nhiều. Còn nếu không thích thì cứ để tự đông cho máy phát nhạc và làm việc khác. Thí dụ như tôi mở trang Paul Mauriat  (http://hoctroyoutube2010.blogspot.com/2010/12/paul-mauriat.html ) ra nghe là tôi có thể vừa làm việc khác cả ngày vừa enjoy nhạc.

Bài viết đã dài. Hy vọng bạn không bị nhàm và nhất là suy nghĩ về những sáng tạo riêng bạn để thấy chúng ta có cùng mẫu số chung là óc sáng tạo và lòng ham mê tìm tòi. Mong bạn sẽ có thì giờ xem hết video
 Óc sáng tạo này và trọn bộ còn lại.

Thân mến

Học trò

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

THƯ TỪ TUY HOÀ



Cảnh Cửu
trích tạp chí VĂN (Sài Gòn)  số 45 (cuối năm 1965?)

Hắn chết được vài ba hôm thì có một bức thư gửi cho hắn. Thật là một sự muộn màng đáng tiếc. Phải chi sớm hơn chừng ba hôm thì hắn có thể đọc vào giờ hấp hối. Thật ra sự đọc trong cái khoảng giao thời sống chết đó không giúp hắn hiểu gì. Nhưng dù sao cũng có hắn đọc. Thế còn đỡ hơn. Đằng này thư không ghi địa chỉ người gửi, chỉ đóng dấu Tuy Hòa nên cũng không biết ai mà gửi trả lại. Bức thư thành ra cứ bỏ nằm đó mãi hăm mốt ngày sau mới được xé ra.
“Tuy Hoà ngày tháng.
Anh.
Nhận được thư anh hơn một tháng rồi nhưng vì đau không trả lời anh được. Hôm đau tôi tưởng chết rồi chứ, đau một tuần bớt rồi tôi đi dạy và đau lại nặng quá. Tôi định viết thư cho anh hay. Anh hay thì anh có khóc giùm cho tôi không. Chắc không vì anh bận đi chơi chứ thì giờ đâu mà nghĩ đến tôi.
Anh ạ. Tuy Hoà bữa nay gió nhiều, tiếc rằng không có anh ở đây để thưởng thức làn gió anh ưa thích. Tháng bảy gió nam gió nồm quay rần rật. Ra khỏi nhà là tóc rối tung thành ra lúc nào trên tay cũng sẵn một cái lược. Thật là phiền phức. Nỗi bực dọc nữa là cát bụi bay mù mịt. Tôi phải đi mua một cái kiếng và một cái dù xếp. Tôi cẩn thận lựa chọn làn gió mà đi thế mà vẫn bực.
Anh có nói mùa xuân tàu chạy trên cầu cao, gió dũi dũi trên mặt sông mát lịm. Những con cá non tơ óng ả bơi trong dòng nước trong veo bình thản. Những con cá lúi đó kho măn mẳn với hành trên bếp mới nhắc xuống hơi nóng còn nghi ngút ngon lắm, nhứt là ăn với khoai lang mới nấu. Thiệt là kỳ cục. Anh đã ăn lần nào chưa mà mô tả tài vậy. Ở đây tôi mượn những lời đó mà giảng cho tụi học trò. Chúng cười ngặt nghẽo. Chúng hỏi: Bữa nào cô đãi tụi em đi. Tôi lúng túng quá.
Con sông Đà Rằng chảy qua cây cầu một ngàn hai mươi thước đó làm anh mê à. Mùa mưa nước lênh láng bao la thật. Cũng mùa mưa nước đổ dầm dề gió bấc cắt da chỉ còn con sông Đà và chỏm núi Nhạn là tương phùng như trong chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Cá ở ngoài biển dám chèo vào với bánh tráng trong thành phố đó anh ạ. Con tôm hùm to kinh khủng. Những con cua biển luộc đỏ au, gạch vàng choái, thịt ngọt lắm. Anh biết không: Nội một cái kẹp di động trên cái càng to đó cũng đủ mê rồi. Nó cong và nhọn như cái sừng trâu, trên đó có những răng cũng nhọn không kém. Gần trong góc nổi lên một cái u no tròn hấp dẫn như con bò mộng đậy u hùng hổ vậy. Tụi trẻ con ở đây lấy những cái sừng ấy để đấu xảo với nhau và nhiều khi khích nhau bắn lộn đến chảy máu tay – Anh có thích trò chơi ấy không.
Anh có nói hồi đi ngang đó thấy người ta bán cục cơm vắt và cái đùi gà to tướng mười đồng. Sự thật cũng có như vậy anh à. Nếu anh muốn tôi ra ga mua gửi cho anh. Cục cơm đó không biết có ích dụng chi cho anh không, chứ ít ra nó cũng tố giác với anh vài điều về quê hương tôi.
Con sông Đà Rằng uốn khúc tự Cao nguyên xa. Nó mang về đây ruộng lúa đập Đồng Cam sau khi đã bỏ đất đen miền nhiệt đới Cheo Reo. Ruộng lúa có xanh tươi thật, bông trái có trĩu cành thật. Nhưng đó chẳng qua là một cái gì nhỏ bé của xứ Phú Yên này. Cũng như những lặt vặt tôi vừa kể trên chỉ là để khôi hài.
Xe ra, sau khi đổ dốc đèo Cả thì bắt gặp ngay Hảo Sơn, đất bị úng phèn. Mùa hè khô cáu, đất lại chát cỏ cây không mọc nổi. Nhà ga, đồn canh cũng phải bỏ đi. Tuy An những hòn núi trọc rơi vãi bê bối khắp vùng. Nước cuốn đi chỉ còn sót lại những sỏi đá và gai găng. Nông dân đã hì hục nhặt những hòn đá đắp lại tam cấp để gieo những hạt bắp xấu đau, vàng như nghệ. Nếu anh muốn học “culture en terrasse” thì cứ ra đây. Nhưng chớ đừng ước có đất như vậy mà đem áp dụng kiến thức của mình, tội nghiệp lắm.
Con sông Đà Rằng cũng đem đến nhiều xói lở ngập lụt thảm thương. Hồi hoà bình mới tái lập, cầu chưa có xe cộ bị bao nhiêu con phà ngăn trở. Nước đi rồi những màu mỡ mùa màng cũng bị kéo ra đại dương. Nhưng chán nhứt là phải chịu đựng cái mùa đông. Mưa gió vùi dập tàn bạo làm tôi rầu thúi ruột. Đi tới đâu cũng ướt nhem nhép; ướt mê mết. Chiếc áo mưa nào cũng vô dụng. Nước thấm ngày này qua ngày nọ làm nó nặng lên và mặc vào thì âm ỉ khó chịu. Thành ra nếu không đi dạy thì trít ở nhà không đi đâu được. Mà nằm nhà nghe mưa gió gào thét bên ngoài, nghe lạnh chạy dài từ dưới chân lên đến cổ. Cô đơn lắm tôi không chịu được. Buổi tối tôi không dám tắt đèn. Tôi sợ bóng tối, sợ những ám ảnh ma quái dị kỳ. Những con bọ rầy, những con phù du bu quanh bóng đèn làm tôi thèm sự liều lĩnh của chúng quá. Biết là xem vào đó sẽ chết. Nhưng thà chết như vậy còn yên ổn ấm cúng mãn nguyện hơn là chết dần trong cái lạnh lẽo cô đơn trùng điệp này.
Đằng nào cũng chết, mùa đông không chết mùa hè cũng chết. Anh có thấy Tuy Hoà là bãi cát mênh mông những gai lưỡi long và cỏ may lẫn lộn. Nắng nóng làm cát bỏng dưới chân. Gió nam quét mạnh làm bụi cát bay tứ tung. Những con đường phố, những đầu tàu, những mái nhà, những phu xe, những con người nghèo khó áo đen nón lá và cát bụi vò trộn quay cuồng thảm hại. Hãy tưởng tượng đến một thôn làng: Nhìn ngoài có vẻ phong phú dừa xanh lúa tốt. Nhưng bên trong, mùa gió cát bay như mây… Những đồi cao ngất lần lần tràn xuống xóm làng làm sự sống nhỏ nhoi vô nghĩa.
Mà thật vậy sỏi cát đã chiếm hết những thỏi đất màu mỡ, cây cao lên không nổi, lá mỗi ngày một lụn tàn. Sự nghèo khó đến gõ cửa thường xuyên, cơm thì gạo ít mà ngô khoai nhiều. Đậu mè, đậu phụng trộn với muối ran là món ăn đắt giá. Chắc khi đọc thư này anh có ăn cục cơm và miếng thịt gà tôi gửi theo thì dù cho cơm đã thiu thiu, thịt gà đã dai nhách cắn không bể nhưng chắc cũng đỡ hơn cái sống ở đây nhiều. Nó là cái tinh hoa của xứ sở tôi đãi du khách đấy.
Buổi học chiều như thế là đã tan. Tụi học trò ra về gần hết. Mấy đứa nhỏ nhứt la cà với mấy hòn bi chai cũng xách cặp vẹo người, lai rai trên con đường nhỏ đầy cát dẫn vào xóm nhà nghèo khó. Cát bụi chốc chốc lại làm chúng lảo đảo. Tôi chống tay ra khỏi bàn thẫn thờ, không biết đi đâu. Bây giờ về nhà còn sớm quá. Tôi sợ phải đối đầu với căn nhà trống trải lạnh lùng đó.
Chiếc cổng trường dần dần cao vút qua khỏi đầu. Tôi sực nhớ cái cổng ra ga và tôi đi đến đó để mua cục cơm và miếng đùi gà gửi cùng cái thư này cho anh.
Sân ga thực ra là cái thềm ga cũ bị phá hoại hồi kháng chiến bây giờ chưa tái tạo nổi loang lổ tồi tàn. Con tàu mới chạy khỏi. Một làn khói đen bị gió thổi lên cao. Mấy người bán hàng rong uể oải ngồi bên thúng đồ. Có người soát lại những món hàng của mình rồi như nghĩ ngợi. Họ vui mừng với những con tàu đến để rồi buồn rầu với những con tàu đi. Lòng họ trống không, mắt mờ như hồn tôi mờ theo con tàu hăm tám tết năm nay.
Buổi trưa tôi lên ở ga này thấy anh đang gặm bắp đó. Hồi còi run rẩy lìa ga xép. Con tàu thì chạy anh thì nhai dễ thương chi lạ. Tôi đâm ra yêu cái thân xác run run của con tàu, tiếng động rêm rêm trên đường sắt và người đồng hành biết thưởng thức hương vị quê hương mình – biết đâu đó cũng là sự chung tình khả ái!
Con tàu xa dần xa dần phố nhỏ và đi vào những vùng quê nghèo khó. Cái hãnh diện của tôi cũng theo vòng quay của bánh xe. Những ngọn đồi hiện ra trong tầm mắt làm tôi thấy buồn. Chúng trơ trọi, khô cằn, héo úa trong tâm hồn tôi bấy lâu. Tôi sinh ra trên đó đương nhiên phải thừa hưởng. Tuổi hoa bướm của tôi đã đi xa rồi và còn đi xa nữa như con tàu đang chạy.
Ánh nắng buổi chiều vào toa tàu oi bức quá. Con tàu uể oải dừng lại ở một trảng rừng thô để nhường cho một đám người đi qua. Sự dừng lại đó thật bất đắc dĩ – tàu hoả có dừng như vậy đâu. Nó hậm hực phun những tàn lửa và thét inh ỏi, vang động núi rừng. Đám người đó khiêng một thây người trên cái võng máu me loang lổ trên áo trên mặt trên thân hình. Ruột thì lòng thòng thật dị hợm. Người ta ngơ ngác hỏi tại sao. Ai mà biết được. Hắn là một tên giặc, một tiều phu hay một người thường nào đó đi lại trong vùng núi kém an ninh, những người có phận sự kêu, hơi gió làm hắn không nghe (đó ích lợi của làn gió anh ưa thích đó) hay cố ý không nghe nên bị bắn. Tông tích hắn ra sao ai mà biết được. Vài người mủi lòng khóc xụt xịt. Thật là một sự thương tiếc chưa xếp loại. Nhưng dù sao đó cũng là một phần thương yêu của những con người trên cùng một quê hương. Tôi cố giấu những cảm xúc vì quen thấy rồi. Tôi chỉ ghi nhận rằng những người ở đây hiền lành chất phác lắm. Sự nghèo khó trên gương mặt họ cũng phản ảnh đời sống cui cút chịu đựng ít tham vọng của họ một phần nào.
Con tàu vẫn lầm lũi. Cái thân hình be bét máu cũng lùi xa. Núi rừng trùng điệp. Mặt trời chiếu ngang thân một ngọn đồi phía đông. Dưới chân nó một làng nhỏ nằm kề. Người ta tưởng có một sự yên vui giữa chốn thâm sơn cùng cốc này. Nhưng không. Những tiếng nổ loạn xạ phía trên sườn đồi phía trong ấp, vài viên đạn lạc bay vèo vèo. Con tàu phì phì khói chạy nhanh như sợ mình sẽ bị vạ. Người ta xôn xao sợ hãi. Vài người thành thạo nói: Có chúng xuất hiện, hai bên choảng nhau đứng trên tàu thấy vậy chứ còn còn xa không phải phục kích tàu đâu.
Và tàu đi trong lòng rừng núi. Ngột ngạt. Người ta ra hành lang nhìn cây lá. Tôi đứng cách anh bằng một ông cụ. Ông cụ bàn chuyện chiến tranh còn anh thì anh kể vụ tàu lật sáng qua ở Mương Mán. Đầu con tàu dí bẹp vào một ụ đá cao, hai hàng bánh xe phơi lên như những chân một con rít. Máu còn đọng vũng trên sàn xe. Có một cái mũ cối nát bẹp. Mấy đoạn đường rầy xe lửa cong queo và con đường hủng một lỗ to. Tôi nghĩ chắc anh nghe ai kể chứ thật như vậy sao anh ra được đây. Chắc là anh không biết gì về những vụ đó. Nhìn mặt mày anh người ta chỉ biết độ-nhảy-twist thôi. Ông cụ cũng không biết gì. Chiến tranh mà ông bàn đó nó khác bây giờ.
Con tàu ngược gió. Ông cụ đã vào trong. Tôi biết anh cũng muốn vào nhưng muộn rồi. Tôi đứng chận đây. Đầu đằng kia là cuối con tàu. Anh chạy đằng trời nào. Tôi khoanh tay ra sau tì lưng vào thành tàu ưỡn người. Ngực tôi lồ lộ. Gió tung vạt áo trước tôi đi xa thấy rõ hàng nút xẻ dọc trên quần. Gió càng mạnh làm vải ở hai bên đùi tôi mỏng thêm và chiếc xì-líp dày cộm kinh khủng. Tôi biết nhưng cũng chẳng buồn sửa lại. Cuộc chiến tranh nào bi đát bằng cuộc chiến tranh này.
Con tàu chui qua dãy Cù Mông. Hầm tối đen. Hơi lạnh làm tôi rợn người. Tôi muốn ôm chặt lấy anh cho ấm chút đỉnh. Tàu ra khỏi hầm. Khói tàu làm anh cay mắt. Anh lấy tay dụi dụi. Tôi đưa chiếc khăn tay cho anh.
Hoàng hôn đổ xuống núi rừng. Tàu chạy ngày càng sâu trên đất Bình Định. Tôi chỉ cho anh vài tên vùng đi qua: Vân Canh nhiều thượng. Diêu Trì ngã ba. Cầu Đôi nước đứng. Tháp Chàm gạch đỏ và núi Qui Nhơn lở lói. Nhưng chắc anh không thấy gì.
Cục cơm và miếng đùi gà nặng trong tay tôi. Sân ga vắng tanh. Một con chó đứng giữa đường rầy ngửi ngửi vào những thanh sắt rồi hỉnh mũi ngó mong, buồn rầu. Trời chạng vạng tối. Tôi quay mặt trở về thành phố. Mắt tôi nhòa đi vì nước mắt hay vì gió hoét cát bụi tung mù mịt. Có lẽ đủ thứ và cả những lũng tối đen phủ lên những mái nhà trước mặt. Tôi cố tìm một ánh đèn thật sáng để tin rằng đây là thành phố Tuy Hoà – ít ra nó cũng như Qui Nhơn chứ.
Tối đó đáng lẽ tôi thây kệ anh, mình về nhà tắm rửa, ngủ một giấc cho khoẻ. Nhưng thấy anh lầm lũi tôi thương quá. Tôi hỏi anh đi đâu. Anh nói vào ga chứ đi đâu nữa. Vào ga sao lại đi tuốt đằng này. Anh chỉ cái nhà cao có đèn nê-ông xanh đỏ: Không phải ga đó sao. Tôi rụng rời: Rạp xi-nê KK. Anh không thấy chữ đó sao. Anh nói tưởng đó là chữ quảng cáo li nhi quá. Tôi lại buồn nhà ga thì thấp hơn con tàu, tối om làm anh không biết đâu mà đến. Còn rạp xi-nê thì diêm dúa màu mè, cái điểm chính không hiện rõ làm người ta phải lầm tưởng. Thành phố những miền này như thế cả. Nó chắp nối, vay mượn không ra cái thể thống gì. Chiến tranh dày vò, dẫm đạp nó quá nhiều làm sao nó giữ được một truyền thống. Nhưng Qui Nhơn còn hơn Tuy Hoà tôi nhiều.
Tôi hỏi anh về đâu. Anh nói về nhà một thằng bạn đường Võ Tánh. Tôi hỏi anh đã đến lần nào chưa. Chưa. Tôi sợ anh lại một lần nữa lầm lạc nên tôi đã đưa anh đi tìm. Té ra nhà bạn anh ở sát nách đường Gia Long, con phố chính của Qui Nhơn. Tôi đâm ra chưng hửng khi đứng trước căn nhà ấy. Phải chi một căn nhà nào khác khó kiếm tôi sẽ chui anh vào một phòng ngủ nào đó đè bẹp anh ngạt thở chết cho rồi. Nhưng thôi được. Nghe người nhà của bạn anh nói: “Nó vừa ra mua báo đấy, cậu đưa tôi cất đồ cho, vào sa-lông nghỉ đi”. Tôi nảy ra ý định dẫn anh đi phố và tôi thực hiện liền. Anh bằng lòng. Tôi mừng ngoan đấy. Hay là anh sợ cô đơn trong căn nhà xa lạ, bộ sa-lông xa lạ. Nhưng tôi cũng xa lạ sao anh chịu đi. Ý nghĩ đó làm tôi mừng rơn.
Anh đi bên tôi như một tín đồ ngoan đạo. Thành phố Qui Nhơn không có gì làm anh kinh ngạc. Tôi ức nghẹn cổ. Chốc lát con phố Gia Long đã cụt. Những phố khác không đèn. Biết đi đâu bây giờ. Tôi thương tiếc tôi. Tôi thương tiếc cái thành phố này. Chỉ còn cách dẫn anh xuống bến tàu trấn nước cho ngộp thở bỏ ghét chứ đi đâu nữa. Không hiểu sao tôi lại đưa anh vào một hiệu kem đường Phan Bội Châu, khúc gần Võ Tánh. Có lẽ vì đã gần nhà bạn anh rồi, kéo dài ít phút cũng chả sao. Tôi kêu một ly nước trái cây còn anh thì nằng nằng uống chai nước ngọt. Anh lơ đãng nhìn một cặp đang ngồi góc phía trong. Tôi trả tiền. Anh đòi về. Tôi biết anh khó chịu khi ngồi với tôi. Anh thích đi phố với những đứa học trò của tôi hơn là tôi. Anh lại nằng nặc đòi người chủ quán lấy thêm một lần tiền nữa. Thật anh không chìu tôi một tí nào.
Tôi đưa anh về. Anh nói giã từ mai đi Đà Nẵng. Tôi đề nghị anh ghé lại tôi chơi một tí. Về nhà tôi thuyết phục anh đình lại chuyến đi một ngày để thăm Qui Nhơn cho biết. Tôi vui mừng một lần nữa và đêm về khó ngủ như con học trò tuổi mười lăm.
Không biết đêm nay tôi về có ngủ được không. Chắc là gió sẽ đập mạnh vào cửa. Và buổi sáng dậy không còn là buổi sáng Qui Nhơn. Tôi chưa kịp chải tóc anh đã ập vào nhà lôi tôi đi. Tôi chỉ kịp nói với với người chị: Em ra phố chút xíu. Tôi hỏi anh đi đâu. Anh nói đi đâu cũng được. Tôi nhớ đêm qua mình đề nghị. Tôi do dự một lát, đi đâu bây giờ… Thành phố này chỉ có một cảnh được: Gành Ráng. Tôi đành đưa anh tới đó. Cũng là một dịp cho anh biết đất nước quê hương. Tuổi anh cần phải học, học thật nhiều đủ thứ – tôi nghĩ như vậy. Lâu đời mới có một chuyến xe ra Trung hi hữu. Anh chỉ mới biết xe lửa lật ở Phan Thiết, chết chóc ở Phú Yên và thành phố tối tăm này. Anh phải học vài điều nữa. Chừng ấy thả anh đi chưa muộn.
Gió buổi sớm lành lạnh. Biển xanh dưới sâu. Trên gành cây lá còn nắng sương mai. Tôi thấy run ở hai hàm răng mình. Rồi nắng lên óng ánh. Anh đọc vài câu thơ tôi nhớ đăng trong mấy tờ báo trẻ. Anh nói chuyện trời mây non nước. Ý thức tôi mơ hồ về thời gian không gian. Và anh dằng hôn tôi dưới nắng chói chang. Tôi kinh ngạc. Tôi đâu dễ dàng để anh hành động như vậy. Tôi xô đẩy anh và bỏ chạy. Anh đuổi trong đám rừng cây. Cuối cùng tôi nghẽn lối, chênh vênh trên một chỏm đá cao. Dưới kia là hố biển sâu. Tôi đòi nhảy xuống đó. Anh khổ đau quì dưới chân tôi. Anh nói gì nói gì. Gió biển thổi vào lồng lộng. Những cuộn mây đâm vào núi cao như con chim mù đâm vào ghềnh đá. Thành phố Qui Nhơn xa lắc và thấp bẹp. Tôi biết kêu ai. Tại sao tôi dẫn xác đến đây và giờ gào kêu cái gì. Tôi bủn rủn chân tay. Tôi sụm xuống sụm xuống cho đến khi mềm nhũn trong tay anh. Anh đã hôn tôi không sót một khoảng thịt da. Buổi sớm tôi còn mặc thêm một áo lót mà sao cái hôn anh vẫn thấu suốt. Chiều hôm qua tôi trông gió nâng vạt áo thật xa, thật cao và vải quần được ép thật sát vào da. Lằn chiếc xì-líp nổi kinh khủng mà tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Sao bây giờ những thứ nghi trang của tôi tan biến đi đâu mất.
Khi buổi chiều tôi lớn cao già dặn còn anh thì ngu ngơ mười chín tuổi. Buổi sáng anh vụt cao lên đè bẹp tôi. Anh ăn gian với cái tuổi hăm ba ấy. Những cử chỉ anh vùng thoát tự đam mê sâu thẳm. Anh đam mê buổi sáng. Tôi đam mê buổi chiều: Mỗi người đam mê ở một lúc khác nhau, phải chi nó trùng lại một thì đỡ khổ biết mấy. Nhưng dù sao anh cũng đã lấy hai cái tuổi đó để đóng khung cái tuổi hăm mốt của tôi. Tôi thấy ấm êm lạ thường. Anh siết chặt tôi đến nghẹt thở muốn gãy xương. Anh ôm giữ tôi chờ mặt trời lặn. Nhưng rồi mặt trời đã lặn và anh cũng không được gì. Tôi biết, tôi hiểu và tôi thương anh. Nhưng tôi cũng thương tôi chớ. Đó là cái quyền có ở mỗi con người.
Anh đưa tôi về. Gió thổi mát. Trời hoàng hôn đẹp chi lạ. Tôi bằng lòng tôi. Tôi vịn vào anh mà đi những bước đi nhỏ. Anh hỏi xin tôi cái hình để mai đi. Tôi hẹn anh tối đó. Buổi tối tôi chờ anh. Những giờ khắc qua đi qua đi trên cái đồng hồ nhỏ xíu nơi tay. Tôi không thấy anh đâu cả. Tôi thương cái đồng hồ và cườm tay tròn nhỏ của tôi. Tôi ước ao có anh đến để anh hôn tôi dưới bóng cây này hay mình vào xi-nê hôn nhau trong bóng tối. Tôi thích như vậy. Những chiếc phi cơ lên xuống ở phi trường đền đỏ chớp chớp nhoè nhoè như những con bướm lửa. Bầu trời mênh mông và một màu đen khảm kín. Sân ga vắng tanh. Đèn phố có chỗ không. Tôi cô đơn quá. Tôi khóc một mình.
Tôi nhớ sáng anh đi Đà Nẵng. Tôi ra ga chờ đón. Nhưng cũng chẳng thấy anh đâu. Tôi buồn tủi trở về và tôi đã xách đồ ra ga về Tuy Hoà chuyến xe mười giờ. Chị tôi hỏi: Sao em nói ra ăn tết với chị bây giờ lại về. Tôi không biết trả lời sao. Bây giờ là hăm chín tết. Chiều nay họ trước ông bà. Tôi vẫn đi.
Những ngày tết đã qua nhanh. Tựu trường đã hai, ba bữa gì rồi. Tôi giảng bài, những khuôn mặt quê mùa ngờ nghệch. Người tùy phái gõ cửa nói có thư cô. Tôi đón nhận cảm ơn nhiều. Tôi đọc qua tên tôi và không thấy tên ai gửi. Những con dấu Sài Gòn làm tôi biết thư anh. Tôi ép nó vào giữa hai trang sách. Tôi hồi hộp quá chừng không biết anh nói những gì. Lời giảng tôi cố hiền lành dịu ngọt mà những cặp mắt chúng ngơ ngác như lạc trong bãi sương mù, tôi không biết mình ngu hay chúng dốt. Tôi mong cho hết giờ.
Anh hờn trách tôi, tôi hiểu. Lẽ ra anh không nên hờn trách tôi mới phải. Anh có nói ngày vô. Tôi tính giờ khắc con tàu đến và lấy vé Tuy Hoà – Nha Trang cùng với người chị. Anh nhận ra tôi trên tàu. Tôi ra dấu anh dừng lại. Chị tôi biết rồi. Anh cũng đừng oán trách chị. Chị không muốn tôi trở về như hôm ở Qui Nhơn vậy. Chị có quyền thương em gái chị cũng như anh có quyền thương thân xác anh. Suốt mấy trăm cây số con mắt tôi không nói được gì. Con tàu chạy qua Vũng Rô. Biển dưới sâu xanh biếc phẳng lặng như bản thuỷ tinh, phản chiếu ánh mặt trời. Nó yên lặng quá, đắm đuối quá. Nhưng mắt tôi có phản chiếu được gì như nó chăng. Tôi thấy hoàn toàn lẻ loi đơn độc như hòn đá Mẹ- bồng-con chói lọi giữa vũng để năm tháng đi nhanh trên vai tóc khác nào lôi nhanh vào những ký ức nhớ thương.
Sao anh không xa hơn một tầm tay mà tôi không bắt được. Sao anh không đọc hết niềm yêu thương trong ánh mắt tôi. Tôi yêu anh yêu biết nhường nào như quê hương yêu anh yêu mê mệt mà anh dửng dưng, nguội lạnh. Tôi buồn như những đám dương vùng Đại Lãnh. Tôi khóc như mưa chiều về với núi Vọng Phu.
Anh thấy tôi xuống ga Nha Trang, anh vội vàng xuống xin trưởng ga nghỉ vài giờ. Tôi nhận được lời hò hẹn của anh nhân khi chị tôi không để ý. Tôi ra xe không kịp cho anh biết. Tôi khó lòng mà đi với anh đêm nay. Sao anh hờ hững rồi lại đam mê. Tôi thì bị đóng khung chịu tháng ngày đốt cháy. Chắc anh giận vì hôm đó không gặp anh. Tôi cũng không biết sao cả.
Buổi sáng ở Nha Trang tôi đi dạo ở Cầu Đá, bên kia núi cao chót vót làm biển bên này sâu thăm thẳm. Tôi đứng trên những hòn đá con con, nước lắp lém bao quanh, rong rêu mọc dưới đó. Những con cá bé tí ti xanh đỏ bơi qua bơi lại trong khe. Mặt nước biếng nhác. Biển mở rộng ra đại dương. Cầu tàu từ đất liền trườn dài chúi mũi xuống nước sâu. Trên trời những cụm mây trắng lang thang. Tất cả đều không nghĩ đến tôi. Tôi cô đơn như biển sâu, như núi cao, như mây trời trắng bệch. Có anh ở đây không. Anh ở đâu bây giờ?
Buổi chiều tôi ra bãi bể. Gió làm lá khô lăn lăn. Những đợt sóng ra vào liếm ướt viền cát, xoá đi công trình của những con dã tràng hay dấu chân hai người mới in song song. Vài con còng xanh đỏ như những nhân vật tuồng tàu xiêm y rực rỡ, rụt rè ở cửa hang. Người ta nhởn nhơ nhiều quá làm chúng hoảng sợ hay người ta tươi trẻ quá làm chúng thấy già nua ngượng nghịu. Tôi ngồi thu hình với con cháu bé đầu óc rỗng không. Ý thức gần như loãng theo sóng nước ra khơi. Có tiếng hát từ một cái bar: Who’s sorry now, who’s sorry now. Tôi nghĩ: Where are you? All alone, I’m sorry.
Rồi một ngày qua một ngày lại. Hương khói mùa xuân còn nghi ngút ở Tháp Bà. Tôi đứng trên những tam cấp nhìn xuống cầu Xóm Bóng cong cong. Nước dưới cầu lặng lờ. Chị rủ tôi sang Hòn Chồng. Tự dưng tôi thấy rùng mình: Cũng như cầu Đá là nhiều. Tôi mỏi mệt quá chừng. Tôi muốn xuống an nghỉ nơi chiếc cầu và nước sông kia. Mùa xuân đã đưa đẩy tôi vào bóng tối.
Tôi bỏ thành phố chết đó sau hai ngày. Tôi lại chui vào mái trường chật hẹp, nhỏ nhoi và bị đóng khung trong đó như thành phố Tuy Hoà nhốt trong tỉnh Phú Yên và tỉnh Phú Yên nhốt giữa đèo Cả và đèo Cù Mông. Bên này là đại dương, bên kia là Trường Sơn tù túng. Tôi tiếc đã xum xoe chạy ra phía bắc, chạy vào Nha Trang phía nam để cuối cùng cũng hoàn lại đây.
Ngày tháng đem lại cho tôi những mơ hồ: Quê hương hiền lành chất phác mà sao mãi chém giết hận thù. Anh là người Qui Nhơn mà sao không biết một tí gì về thành phố đó. Tôi thì yêu anh mà sao không được dự vào một phần đời sống anh. Tại sao chúng ta bị đưa đẩy vào những nghịch lý như vậy để rồi đơn độc trong những cuộc hành trình không mấy chi đẹp đẽ: Quê hương đang đi dần vào cái đói khổ, điêu tàn. Tôi đang đi dần vào cái già nua, nhục nhã. Còn anh, anh đang đi dần vào cái gì? Tôi nghĩ là anh đang đến thăm tôi. Con đường từ trong đó ra đây chắc không gì nguy hiểm?”
Lá thư sau đó được đem đốt thành tro, những cánh tro mỏng manh ném theo gió bay đi dọc con đường ngắn, không có gì nguy hiểm cả.