Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

CHA PHILÍPPHÊ ĐỀ – Linh mục người Kontum đầu tiên của Vùng truyền giáo Tây Nguyên


Lm Philípphê Đề
 (1895-1937)

CHA PHILÍPPHÊ ĐỀ - Linh mục người Kontum 
đầu tiên của Vùng Truyền Giáo Tây Nguyên

Cha Philípphê Đề là linh mục người Kon Tum đầu tiên, được phong chức vào năm 1925, sau 77 năm Tin Mừng đến với Tây Nguyên, kể từ ngày thầy sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, theo lệnh Đức Cha Stêphanô Cuénot (Thể) mở đường thành công lên miền đất này (1848). Khi đã đặt được cơ sở trên Miền Truyền Giáo Kon Tum (1851), Đức Cha và các Cha liền bắt tay vào việc đào tạo linh mục bản xứ. Một Chủng viện được thiết lập ngay trung tâm miền Kon Tum (tại Rơhai – khu vực nhà thờ Tân Hương ngày nay), nhưng Chủng viện phải sớm đóng cửa vì lý do thủy thổ khắc nghiệt – gây bệnh tật chết chóc cho các chủng sinh đến từ đồng bằng; còn đối với miền Kon Tum thì vì mới đón nhận đạo Chúa, và việc học văn hoá còn sơ khai, chưa đáp ứng được đòi hỏi của việc đào tạo ơn gọi. Chỉ đến khi Trường Cuénot – trường đào tạo thầy giảng (Yao Phu) và ươm mầm linh mục, được xây dựng và đi vào hoạt động (1908), thì công việc đào tạo linh mục mới thật sự bắt đầu trở lại một cách bài bản và có kết quả, dù còn rất khiêm tốn. Và từ ngôi trường – chủng viện Cuénot này (theo cách nói của cha Jannin), đã là nơi xuất thân của nhiều linh mục bản xứ Kon Tum. Cha Philípphê Đề là người đầu tiên trong số đó.

LỄ PHONG CHỨC ĐỨC CHA JANNIN TẠI ĐỊA PHẬN MỚI KON TUM




Kỷ niệm 80 năm Giám mục tiên khởi Giáo phận Kontum - Đức Cha Martial Jannin (Phước) (1933-2013).
Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu bài tường thuật Lễ Phong Chức Giám mục lần đầu tiên tại Kontum vào ngày 23/06/1933. Bài tường thuật do Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (lúc đó ngài chưa làm Giám mục), từ Giáo phận Huế lên dự lễ và ghi lại đôi điều về sự kiện trọng đại này. Bài viết in trong báo Nam Kỳ Địa Phận, số tháng 7 năm 1935, trang 434-448.
Xin kính mời:


Quang cảnh Lễ phong chức ngày 23.06.1933 
tại Nhà thờ Chính tòa Kontum

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

ĐỨC CHA JANNIN (PHƯỚC), GIÁM MỤC TIÊN KHỞI ĐỊA PHẬN KONTUM


Kính thưa cả Làng,
Năm 2013 này, Giáo phận Kontum và Tỉnh Kontum chúng ta kỷ niệm các sự kiện lớn:
-165 năm Đạo Công Giáo đến với Tây Nguyên (1848-2013)
-100 năm Nhà thờ Chính tòa (Gỗ) Kontum (1913-2013)
-100 năm thành lập Tỉnh Kontum (1913-2013)
-80 năm Giám mục tiên khởi Kontum (1933-2013)
-10 năm Giám mục đương nhiệm (2003-2013.

Kontumquêhươngtôi sẽ cố gắng lần lượt trích đăng một số tài liệu lịch sử liên quan đến các sự kiện trọng đại trên, để tất cả mọi người, không phân biệt Kinh hay Dân tộc, Lương hay Giáo, có Niềm Tin hay không có Niềm Tin Thượng Đế...tất cả đều là anh chị em trong một đại gia đình Kontum, là thành viên trong cùng một LÀNG (Kon, Pơlei, Dak...) biết nhìn nhận nhau, yêu thương nhau hơn; biết tôn kính tiền nhân, sống và thực hành đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" cao quý của dân tộc Việt Nam.

Năm nay, kỷ niệm 80 năm Vị Giám mục tiên khởi Kontum (1933-2013), xin giới thiệu cùng cả Làng tài liệu sau đây:

ĐỨC CHA JANNIN (PHƯỚC), 

GIÁM MỤC TIÊN KHỞI ĐỊA PHẬN KONTUM 


(1867-1940)

Đức Cha Jannin (Phước), Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận Kontum đã chết! Một lao công cần cù của Chúa đã ra đi vĩnh viễn. Một người kế thừa xứng đáng của  những đấng đầu tiên đặt chân lên Cao Nguyên, là một trong những đấng đã tạo dựng, đã tổ chức hình thành Kontum, trước khi chính quyền Pháp đến, họ đến chỉ là tiếp tục công việc đã khởi đầu. Trong vòng 50 năm, không ngừng, không nghỉ, không về Pháp, Đức Cha đã đương đầu với tất cả những hiểm nguy của bước đầu xâm nhập miền Cao Nguyên, tất cả những bệnh hoạn, tất cả những khó khăn đủ loại. Không bao giờ chán nản, trong thể xác già nua 73 tuổi, vẫn giữ một tâm hồn trẻ trung, một trí lực dồi dào trong lao động xây dựng, trong công trình sáng tạo hoặc trùng tu, người dân xứ Pháp - Comtois này, mạnh thể xác vững tâm hồn, đã theo đuổi cách can cường lý tưởng thừa sai mà ngài đã tự nguyện dấn thân từ lúc tuổi trẻ. Nên nhắc lại cho tất cả những ai sinh sống tại Kontum hiện thời: người Pháp, người Việt - Kinh lẫn Dân tộc - rằng họ đều mang ơn vị Giám mục già của họ về kinh nghiệm dồi dào cũng như về tâm hồn quảng đại của ngài.


Không ai đến Kontum mà không tìm cách gặp Đức Cha Jannin, bởi vì ngài nổi danh hoà nhã, đơn sơ, tốt bụng. Đối với một số người, tôi còn có thể nói ngài có “máu du lịch” nữa. Thật là một quang cảnh không kém phần lý thú khi nhìn vị Giám mục già này (chắc là mặc áo dòng tím, nhưng đã phai màu và sờn rách) leo lên chiếc xe “Fort tiền sử’ của ngài, gọi là “Bà Già”, ngồi vào tay lái, tay vặn chỗ này, chân đạp chỗ kia, miệng không ngừng cổ võ từ 10 đến 20 người đẩy giúp xe, có như thế “Bà Già” mười lăm mã lực mới chịu nổ máy! Bỗng chốc, tất cả đều chuyển động trong tiếng ồn ào hỗn độn đinh tai nhức óc của máy mòn, của sắt vụn. Chiếc xe ì ạch tiến lên. Từ xa, mọi người đều biết là xe của Đức Cha đã đến gần, khỏi cần bóp kèn! “Bà Già” không chịu im lặng chút nào! Người chủ của bà càng khiêm tốn, thì “Bà” càng làm cho người ta chú ý. Và tiếng vang hỗn độn của thùng xe bằng ‘tôn’ nứt hở lung tung này đã kêu gọi dân chúng ở chung quanh đó, Kinh có, Dân tộc có, họ đổ xô ra quỳ ngoài lề đường trong khi Đức Cha thả tay lái ban phép lành, bên phải, bên trái, vừa mỉm cười vừa luôn miệng: “A, các con ngoan, các con ngoan”. Trong những người xa lạ chứng kiến cảnh tượng này, có người chỉ mỉm cười, có người vội vàng chớp ảnh, nhưng tất cả đều nhận thấy gương sống động của tính đơn sơ tổ phụ và của lòng nhân ái đang đi qua.


Chiếc xe hơi của Đức Cha Jannin

Tính đơn sơ và lòng nhân ái này được gặp lại ở Toà Giám Mục mỗi lần ngài tiếp chuyện. Căn phòng gọi là phòng khách của ngài không có gì cho ra vẻ cả: cây ván chống đỡ bên trong mối mọt gặm nhấm loang lỗ; vách tường còn đứng vững chắc là do thói quen thôi. Nhưng ta không chú ý làm gì đến cái “phông” không hề có ấy. Đức Cha từ buồng riêng bước ra, giang tay về phía khách, trong  một cử chỉ như nói lên: “Bạn ở đây như ở nhà mình vậy”. Và câu chuyện bắt đầu về Kontum thuở xưa, về những năm anh hùng của khởi đầu miền truyền giáo. Ngài nói về thời dĩ vãng rất thiết tha đối với ngài, như chỉ với tư cách một khán giả khách quan, chứ không phải với tư cách một trong những người đóng vai chính trong cuộc. Chỉ nghe ngài nói thì tất cả mọi việc đều đã được thực hiện do các vị thừa sai đồng sự với ngài mà ngài trìu mến, chỉ các bức ảnh treo trên tường: những Dourisboure (Cố Ân), những Vialleton (Cố Truyền), những Kemlin (Cố Văn), những Guerlach (Cố Cảnh).v.v.

Nếu mà ta muốn tâng bốc công trình cá nhân của ngài hoặc đề cao đặc tài sáng kiến và xây dựng của ngài, thì ngài liền nghiêm nét mặt, nói: “ồ ồ ồ”. Ba tiếng độc vận ấy có một ý nghĩa mà ta không thể nghi ngờ: lời nịnh bợ, không có chỗ đứng trong nhà này.

Ta muốn làm hài lòng Đức Giám Mục của ta chăng? Hãy hỏi ngài về “con chiên Bahnar” của ngài. Không ai yêu thương họ như ngài đã yêu thương họ; không có ai đã cố công ra sức bằng ngài để làm cho họ yêu mến Thiên Chúa; không có ai đã biết quên đi như ngài, những khiếm khuyết của họ, thói lười biếng, thiếu năng nổ của họ. Không phải là ngài mù quáng đâu, ngài hoàn toàn thấu suốt tâm tính người Bahnar và đôi khi, trong lúc trò chuyện thân mật, ngài để lộ một vài lời nói, qua đó ta có thể đoán biết tất cả nỗi đau buồn của ngài về bản tính kỳ cục, ngoan cố và hay thay lòng đổi dạ của những kẻ mà ngài đã hiến dâng cả cuộc sống và cả tấm lòng, không một chút dè xẻn. Nhưng, là tông đồ đích thực, vì nhân đức, ngài nín lặng, không nói ra nỗi buồn của ngài. Ngài quên đi những cơ cực quá khứ để duy trì một sức sống tông đồ luôn luôn trẻ trung và đầy hy vọng. Bất cứ lúc nào “con cái Bahnar” của ngài cũng có quyền quấy rối ngài; vì họ, ngài ngưng công việc đang làm, bắt chuyện với họ, hỏi han, vỗ về họ làm như ngài cùng đồng chủng, cùng cảnh ngộ, cùng tâm hồn như họ, và với tất cả sự đơn sơ của một người anh cả, ngài nghe họ líu lo trầm trồ có khi hàng tiếng đồng hồ  mà không hề tỏ vẻ chán mệt. Có Chúa mới biết thâm tâm ngài, ngài có bực bội hay không đối với nhiều cuộc chuyện trò chỉ  là con cà con kê tràng giang đại hải một cách vô bổ; thế nhưng, đối với ngài, đó cũng là một phương thế chiêu dân cho Chúa.

Vì “con chiên” Bahnar của ngài, để thăng tiến đời sống của họ cho xứng hợp với tư cách là con người, ngài đã cố công ra sức trong vòng 50 năm, suốt thời gian hiện diện của ngài ở Kontum. Ban đầu, ngài đặc biệt lưu ý đến đời sống vật chất của họ, thử cách cày bừa trồng trọt theo kiểu Châu Âu. Kết quả phải về lâu về dài, phải chờ số người Kinh đến định cư và những khích lệ của chính quyền để phần nào cải tiến những phương pháp cổ truyền của người bản xứ. Tuy nhiên, ta không nên quên từ lâu đã có những cố gắng, những thử nghiệm đầu tiên.

Trường Kuênot

Ít lâu sau, Đức Cha Jannin đã đặt trọng tâm vào việc đào tạo về trí tuệ và luân lý cho giới trẻ, mong rằng qua họ, một cuộc sống mới sẽ được khởi đầu trong các buôn làng. Ngài đã là đấng tiền hô, là cha đẻ của “trường học Thượng” ở Kontum. Là người đầu tiên, ngài đã thành công trong việc quy tụ một số ít trẻ con Thượng, làm cho chúng chấp nhận học tập và sống tập thể trong một kỷ luật nghiêm túc. Có lẽ chính đây là công trạng to lớn nhất của ngài; chính trong công tác này mà ngài đã sử dụng đến tối đa sự kiên nhẫn và quyết tâm của mình. Ban đầu, nhiều lần, học sinh của ngài đã bỏ ngài mà về với rừng núi của chúng. Không buồn chán, ngài đã đi tìm lại chúng từng đứa, an ủi dỗ dành, đem trở về những đứa có vẻ xiêu lòng và tuyển lựa thêm một số học sinh mới. Ngày hôm sau phá vỡ mất công việc đã hoàn thành ngày hôm qua! Nhưng trên những đổ vỡ đó, ngài lại xây dựng không ngừng; và từ những cố gắng không ngừng này, ngôi trường giảng viên giáo lý Thượng đã ra đời, ngôi trường đầu tiên trên miền Thượng, được đặt tên là Trường Cuénot. Mục đích của Đức Cha là phần nào khai hoá số con cái của núi rừng này, đào tạo họ thành một lớp ưu tú giữa dân Thượng: trong mỗi họ đạo Thượng sẽ có một hay hai giảng viên giáo lý (chú Giáo Phu), biết đọc biết viết, với một số kiến thức thường thức cơ bản, có thể duy trì mức sinh hoạt tôn giáo khi thiếu vắng linh mục, đi mời linh mục cho người bệnh tật sắp qua đời và có thể  phân phát một số thuốc men cần thiết. Để cho họ sử dụng, ngài đã biên soạn một tập nhỏ “chỉ nam y dược” [1]; hằng năm, ngài cung cấp cho họ nào thuốc sốt rét, thuốc tiêu chảy, nào thuốc trị mụt nhọt, ghẻ chốc, trị vết thương. Đó phải chăng là tổ chức đầu tiên về  “cứu trợ y tế” trên xứ Thượng này?

Trong bài viết khiêm tốn này, không thể nói hết được về công trình mà Đức Cha đã thực hiện. Mong rằng sẽ có một biên tập tiểu sử thật sự sau này để có thể làm nổi bật khuôn mặt tốt đẹp của vị Giám mục thừa sai này. Ở đây chúng ta chỉ muốn quả quyết rằng năng lực và ý chí của Đức Cha Jannin là khó tin nhưng có thật.

Không một ai trong các vị thừa sai thuộc quyền của ngài, dầu năng nổ nhất, dầu mạnh mẽ nhất cũng không có thể tranh đua với ngài về việc liên tục dốc toàn lực trong công tác không ngừng nghỉ. Ngài ân cần niềm nở với hết mọi người, ngài biết lắng nghe con cái Bahnar của ngài hàng giờ liền, như chúng ta đã nói; nhưng thật sự nghỉ ngơi hoàn toàn di dưỡng, nghỉ định kỳ, ngưng công tác thì không bao giờ. Đối với ngài, nghỉ ngơi tức là từ  công việc này bắt tay sang làm công việc khác. Là đầu tàu của Miền truyền giáo, Giám đốc thực tế của Trường Cuénot cho đến ngày cuối đời ngài, ngài vẫn dành đủ thời giờ để sửa chữa, cải tiến cơ cấu điện lực của ngài, để biên soạn toàn bộ sách giáo lý bằng tiếng Bahnar, tập quy luật cho giáo phu và để điều khiển cơ sở ấn loát của ngài. Ngài đã là kiến trúc sư và sáng tạo phẩm cuối cùng của ngài là ngôi trường Tiểu chủng viện, biểu hiện tất cả những gì là khéo léo và tiện lợi, vừa là nghệ thuật trong con người “kỷ sư nửa mùa” này, như một số người đã gọi đùa Đức Cha. Có khách lạ nào lại không thán phục khi chiêm ngưỡng ngôi nhà nguyện của Tiểu chủng viện?


Chủng viện Thừa sai Kontum

Tất cả những hoạt động bên ngoài này là nhằm cho “Danh Cha cả sáng”; tất cả tấm lòng sốt mến truyền giáo này đã được nuôi dưỡng trong cuộc sống thiêng liêng kết hợp gắn bó với Thiên Chúa mà ngài đã thực hành từng giờ một. Những ai chỉ nhìn thấy ngài leo lên chiếc xe “Bà Già”, chỉ viếng thăm ngài vài lần nơi Toà Giám Mục, chỉ nhìn  qua ngài đang làm việc trong các cơ sở hoặc trong các cuộc giao tiếp thông thường thì chưa có thể  biết ngài cách hoàn toàn. Chỉ những người đã sống gần gũi với ngài mới có thể biết hết vẻ đẹp của một đời sống linh mục lâu dài. Tất cả thời giờ nào không dành cho công việc là dành cho kinh nguyện. Đức Cha biết rằng linh mục thừa sai truyền giáo, tự mình không thể làm được việc gì để có thể tác động thiêng liêng trong các linh hồn. Vì thế, mỗi ngày, hằng giờ liền, trước Thánh Thể trong Nhà Tạm, ngài đã đổ tuôn trào tất cả nỗi lòng sốt mến của ngài đối với Thầy Chí Thánh của ngài. Không phải là bịa đặt theo trí tưởng tượng đâu. Tất cả những người thân cận ngài đã có thể bất chợt nghe thấy đôi lời đàm thoại của ngài với vị Khách Trú Chí Thánh trong Nhà Tạm, khi mà Đức Cha chỉ có một mình ngài trong nhà nguyện. Lòng sốt mến của ngài, vừa mãnh liệt và hiện thực, vừa chất phát và dịu dàng như của một đứa bé thơ. Ngài tin dựa vào Chúa trong mọi việc. Lòng tin cậy của ngài không hề giảm phai, có người còn bảo: “lòng tin cậy ngoan cố”. Ngài đã không bao giờ thôi nói với Chúa là ngài yêu mến Chúa. Và một trong lời nói cuối cùng của ngài đã diễn dịch khá rõ thân tình của ngài đối với Chúa: “Chúa muốn cho  con sống thêm ít lâu nữa. Không đâu. Hãy để cho con chết. Chính là đã đến lúc con phải đi gặp Giêsu của con”. Bài học mạnh mẽ xiết bao cho chúng ta: chúng ta đừng quên. Thời gian dành cho kinh nguyện không phải là thời gian mất đối với công việc làm, nhưng đó chính là thời gian canh tân, một thức dinh dưỡng hữu hiệu nhất trong các món bồi dưỡng, là tia sáng soi linh hồn nhất. Đức Cha Jannin đã hoạt động thành công nhiều là vì ngài đã cầu nguyện nhiều.

Đức cha Jannin luôn luôn khởi đầu những là thơ của ngài bằng câu: “Hãy chúc tụng Đức Nữ Đồng Trinh”. Yêu mến Con, ngài cũng yêu mến Mẹ; hai tình yêu này kết hợp làm một trong những linh hồn thật sự là Kitô giáo. Và Đức Trinh Nữ đã muốn tỏ bày rằng Người hài lòng đối với sự sùng kính của vị Giám mục già, cho nên Người đã đến rước linh hồn tôi tớ của Người đúng vào một trong các ngày lễ kính Người - ngày 16 tháng 7 dương lịch - giống như Người đã thường làm đối với những tôi tớ sủng ái nhất của Người.


Đức Cha Jannin qua đời ngày 16.7.1940 tại Trường Kuênot
(Tòa Giám Mục thời đó)

Chúng tôi xin một lời cầu cho linh hồn Đức Cha Jannin được đến nơi an nghỉ vĩnh hằng. Nhưng chúng tôi sẵn sàng lặp lại lời nói của nhiều người lúc Đức Cha qua đời: “Chớ gì chúng ta có được một đời sống tốt đẹp như thế để dâng hiến cho Thiên Chúa. Chắc chắn phúc thiên đàng là dành để cho những tín hữu, những Linh mục, những Giám mục tầm mức như vậy thôi”.    
                
MỘT THÂN HỮU

[1]Sách “Hlabar Pơgang”, nhà in Kontum năm 1932. 
________________________________
Nguồn tài liệu:
- Dịch từ Bulletin de la Société du MEP, năm 1944, tr. 599tt.
- Tài liệu trên do Nữ tu Dòng Thánh Phaolô (SPC) - Cộng đoàn Têrêxa Kontum cung cấp cho LMS năm 1997, bản đánh máy chữ.


Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

GỐC TÍCH CÂY CAFÉ SẺ XỨ KONTUM



GỐC TÍCH CÂY CAFÉ SẺ XỨ KONTUM


Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cây cà phê xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1870 tại khuôn viên nhà thờ công giáo ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Khi đến với Tây Nguyên, cây cà phê nhanh chóng trở thành mặt hàng đặc sản và được đầu tư thành cây chủ lực trong nông nghiệp, do thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Tại phố núi Kontum, cà phê vẫn giữ nguyên những thế mạnh của mình với hai loại chủ yếu: cà phê Chè (Coffea Arabica), còn gọi cà phê sẻ, có giá trị kinh tế cao; và cà phê Vối (Coffea Canephora hoặc Coffea Robusta), còn gọi là cà phê trâu, là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Đến đầu năm 2013, cả tỉnh Kontum có trên 11.500 héc-ta cà phê, riêng huyện Đăk Hà có gần 7.000 héc-ta (theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2012).



 Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng có lẽ mật độ quán cà phê ở thành phố Kontum thuộc vào loại cao so với các tỉnh thành khác trong khu vực Tây Nguyên, nếu đem so sánh với tỷ lệ dân số. Và việc thưởng thức cà phê ngày nay đang dần dần được nâng lên thành nét “văn hóa cà phê”, chứ không chỉ đơn giản là “uống” thứ thức uống mà nhiều người yêu thích. Nhiều khách du lịch khi đến với thành phố Kontum đã rất đỗi ngạc nhiên: “Đi đâu cũng gặp quán cà phê!”. Và người dân Kontum đã yêu chuộng thứ thức uống này, họ thường có mặt đông đảo tại các quán cà phê, nhất là những ngày cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Tư liệu mới về Hàn Mặc Tử: VỀ NGUỒN THƠ VĂN HÀN MẶC TỬ




Tư liệu mới về Hàn Mặc Tử
 
VỀ NGUỒN THƠ VĂN HÀN MẶC TỬ

 
 NGUYỄN HỮU SƠN sưu tập và giới thiệu


Thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940), còn có các bút danh Hàn Mạc Tử, Minh Duệ Thị, P.T, Phong Trần, L.T, Lệ Thanh, Lệ Thanh nữ sĩ, Lệ Giang, Sông Lệ, Mộng Cầm, Trật Sên, Cụt Hứng, Foong Tchan, Anh Hoa, Trọng Minh, Tinh Nhơn, Cô Đài Trang, Cô Bạch Bình Giang…; từng cộng tác với các báo Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, Thực nghiệp dân báo, Sài Gòn, Tân thời, Người mới,  Đông Dương tuần báo (?), Ngày nay, Tin tức, Công luận, Trong khuê phòng, Đông Á tân văn, Impartial, Opinion, La Lutte… Theo quan sát của chúng tôi, công trình sưu tập văn bản học tốt nhất về Hàn tính đến nay chính là Hàn Mặc Tử – Tác phẩm, phê bình và tưởng niệm (Tái bản. NXB Văn học, 2002; 528 trang) của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ (PCĐ, 1933-2007). Trong sách Thơ Hàn Mặc Tử (NXB Văn hóa – Thông tin, 2001; 342 trang), soạn giả Mã Giang Lân (MGL) dựa vào thống kê của Phạm Đán Bình (Tin nhà, Paris, số 2-1991) cho biết thêm nhan đề 18 mục bài viết của Hàn, đồng thời xác định “thơ Hàn chúng ta mới được đọc chừng 150 bài, còn thất lạc đâu đó” và kỳ vọng: “Cái phần chìm khuất kia hy vọng sẽ dần dần được kiếm tìm, bồi đắp, sung mãn”…

Trong quá trình sưu tập tài liệu cho công trình “Người đương thời Thơ mới bàn về Thơ mới” và “Di sản văn học Quốc ngữ đến 1975”, chúng tôi vừa tìm thêm được số lượng lớn tác phẩm của Hàn in trên báo Công luận (CL, Sài Gòn, 1916-1939) ngoài số đã từng công bố. So với dẫn giải trong sách Thơ Hàn Mặc Tử nêu trên, trước hết cần chỉnh lý, chuẩn hóa nhan đề một số bài viết của Hàn: không phải Những câu hát phong tình của cổ Ai Cập mà là Những câu hát phong tình của nước cổ Ai Cập; không phải Khái niệm về thi ca (làm thơ cần phải luyện khí) mà là Khái niệm về thi ca (Thơ có mấy lối? Làm thơ cần phải luyện khí); không phải Đi nghe ông Đinh Bá Kha diễn thuyết về nhân thế Chỉ Cảnh (fin de la vie humaine) ở học xá Pháp Việt Quy Nhơn mà là Đi nghe ông Đinh Bá Kha diễn thuyết về vấn đề triết học “Nhân thế chỉ cảnh” ở Học xá Pháp – Việt Quy Nhơn… Đồng thời với việc cung cấp đầy đủ văn bản gốc những bài báo trước nay mới chỉ biết nhan đề, nhân đây chúng tôi giới thiệu thêm một số tác phẩm văn xuôi khác “mới toe” của Hàn vừa tìm lại được: Mười lăm phút nói chuyện với bà Lê Thành Tường, cựu chủ nhiệm báo Phụ nữ Tân tiến ở Huế (Trung Kỳ) (CL, số 6216, ra ngày 4-4-1933); Khảo về lịch sử Nhật Bản từ nguyên thỉ đến hiện thời (CL, từ số 6417, ra ngày 10+11-12-1933); Chết (CL, số 6693, ngày 22-11-1934); Rousseau, tiểu thuyết gia (CL, số 6760, ra ngày 16-2-1935); Thử ngó qua nước Ái Nhĩ Lan: một nhà thi hào được phần thưởng Nobel năm 1924 (CL, số 6778, ra ngày 9-3-1935), v.v… Tất cả những tác phẩm trên góp phần cho phép chúng ta hình dung đầy đủ, sâu sắc, chuẩn mực, toàn diện hơn nữa chân dung con người, tư tưởng và sự nghiệp văn chương Hàn Mặc Tử.

Đi vào so sánh văn bản những bài thơ của Hàn từng được công bố trên các sách của PCĐ và MGL thì thấy có mấy sự sai khác. Ở bài Đêm khuya tự tình với sông Hương, cả hai sách đều sai hai chữ trong hai câu thơ: Trong thành ngự chết con đen, bản gốc in chữ ngự kia là ngũ, đọc đúng là: Trong thành ngủ chết con đen; câu: Chiếc thuyền vô định tạt vào bến mê, bản gốc là: Chiếc thuyền vô định tạc vào bến mê (CL, số 6772, ra ngày 2-3-1935, tr.5). Với bài Tuồng đời, PCĐ sai hai chữ quan trọng ở câu thơ thứ nhất: Tuồng đời lặng lẽ vẽ nên phông, đúng phải là: Tuồng đời lăng lố vẽ nên phông(CL, số 6790, ra ngày 23-3-1935, tr.5). Đặc biệt với bài thơ Sống khổ và phấn đấu dài 27 câu, sách PCĐ chỉ in 8 câu (trong đó sai chữ ở câu 8), thiếu mất 19 câu (CL, số6802, ra ngày 6-4-1935, tr.5.)…

Điều quan trọng hơn, chúng tôi đã phát hiện, sưu tập thêm được trên năm chục bài thơ của Hàn Mặc Tử sáng tác và in trên báo Công luận trong khoảng thời gian 1932-1939. Hình thức nghệ thuật những bài thơ này khá phong phú, phần lớn làm theo thể Đường luật, một số bài theo lối thơ tự do và các thể hồi văn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn xen lục ngôn, thủ vĩ ngâm, song thanh, hát nói, từ khúc, lục bát, song thất lục bát… Về nội dung, phần nhiều các bài thơ hướng tới các giá trị nhân văn, xướng họa với chí sĩ Phan Bội Châu và bạn bè (Quách Tấn, Tùng Ngâm, Ngọc Hồ, Trần Bình Lộc, các bạn ở Phú Mỹ – Bình Định và cả những tứ thơ Gửi cho người không quen biết, Phút mơ màng, Tương tư, Canh khuya nhớ bạn)…; mở rộng lối thơ du ký, đề vịnh thắng cảnh non sông đất nước (xứ Huế, Phan Thiết, chùa Ông Núi – Bình Định), thú chơi tao nhã và vẻ đẹp bốn mùa (Cầm, Kỳ, Thi, Tửu; Xuân, Hạ, Thu, Đông; Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt)…; tiếp nối dòng thơ hiện thực, phản ánh tâm trạng thi nhân trước hiện tình xã hội (với các bài Đêm khuya ở nhà quê, Làm ruộng tự thuật, Than nghèo, Đau mới dậy, Đóng tuồng, Sống khổ và phấn đấu), v.v… Theo cách đọc “liên văn bản” có thể thấy thơ Hàn thực sự tiêu biểu cho quá trình hiện đại hóa, tiếp nối giữa hiện tượng sử dụng lối thơ truyền thống với việc gia tăng vai trò nguồn cảm xúc mới; giữa việc khai thác hệ thống chủ đề, đề tài quen thuộc với khả năng bộc lộ tiếng nói của chủ thể trữ tình cá nhân kiểu mới. Đặt trong tương quan so sánh đồng đại có thể nhận ra tứ thơ Gởi cho ai, Nhắn ai, Gởi cho người không quen biết của Hàn tương đồng với những Thư đưa người tình nhân không quen biết, Thư trách người tình nhân không quen biết, Thư lại trách người tình nhân không quen biết của Tản Đà, rồi tương đồng với những Nhắn nhủ, Nhắn ai, Lại nhắn ai của Quách Tấn, v.v…

Nói riêng trong phạm vi thơ Hàn Mặc Tử, dễ thấy nhiều câu thơ, ý thơ trong số những bài mới phát hiện này có sự giao thoa, gặp gỡ, tiếp nối với nhiều tứ thơ đã biết để làm nên phong cách độc đáo họ Hàn.

Đọc câu thơ Ô hay, người thế toàn yêu quái (Họa – CL, số 6671, ra ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ ý thơ: Ô hay, người ngọc biến ra hơi (Mơ hoa); đọc câu thơ Dưới trăng đi lững thững/ Bóng dọi ngắm thành đôi (Dưới trăng - CL, số 6671, ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ: Ai đi lẳng lặng trên làn nước/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi (Cô liêu); đọc câu thơ Gió đông mơn trớn nhẹ (Hái hoa - CL, số 6671, ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ: Gió say lướt mướt trong màu sáng (Huyền ảo); Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi (Bẽn lẽn); đọc câu thơ Em khoe sắc đẹp bên cành lả/ Dáng điệu mơ màng vẻ thướt tha/ Đón cái xuân về vị tỉnh say/ Đỏ rần đôi má ửng hây hây (Yêu để sống – CL, số 6802, ngày 6-4-1935, tr.3) lại nhớ những câu: Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha (Hoa cúc); Trăng bay lả tả ngả lên cành vàng (Rượt trăng); Từ khi đôi má đỏ hây hây/ Em tập thêu thùa, tập vá may… Những lượt thu vềem thấy xuân/ Trên đôi má nõn lại phai dần (Duyên muộn); Xuân em hơ hớ như đào non/ Chàng đã thương thương muốn kết hôn/ Từ ấy xuân em càng chín ửng (Mất duyên)…

Đến đây chúng tôi trân trọng giới thiệu 7 bài thơ mới phát hiện của Hàn (với các bút danh Hàn Mặc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần), trong đó có toàn văn bài Sống khổ và phấn đấu đã nêu trên.


CẢNH PHAN THIẾT TRONG NGÀY TUẦN DU
HÀN MẶC TỬ

Chớp bể mưa nguồn chuyện đã qua,
Rày xem Phan Thiết khác xưa xa.
Cây còi cỏ úa tuy xơ xác,
Tủi kết hoa treo cũng mới nhà.
Đón chúa phất phơ cờ đỏ tựu,
Nha quan lược bược áo xanh cà.
Thái bình chợt nhớ ngày Nghiêu Thuấn,
Ngày Thuấn Nghiêu xưa cũng thế à!
(Công luận, số 2587, ngày 26+27-2-1933)

NHÀN!
HÀN MẶC TỬ

Cổ nhơn hát: Vô sự tiểu thần tiên,
Trăng gió ấy nước non nầy thật hữu duyên.
Nước hồ sen thuyền lan bơi một lá,
Hái hoa sen đem về dâng cho ả.
Thú yên hà say tỉnh một đôi chung,
Chém lượng sóng nhớ đến khách anh hùng.
Phú Xích Bích ngâm nga hừng chí lạ,
Cầu thệ thủy mỹ nhân nào ngắm đó.
Quán thu phong còn hẹn gặp nhau kia,
Bước nhàn du chơi đã chán chê.
Vình nhớ lại mấy năm về trước,
Trời ghen ghét bắt làm cho được.
Hai bàn tay trắng trả nợ non sông,
Bây giờ đây lòng đã sạch lòng.
Túi thơ văn rờ lại thử còn bay mất,
Ờ ờ lưu lạc phong trần còn dính chặt.
Mở phăng ra đề vịnh một đôi chương,
Ngoảnh đầu xem: hoa ké ké, nguyệt chán chường.
Không lẽ thờ ơ thành phụ bạc,
Chưa hết công danh giả đò về Kiếm Các.
Ông Trần Đoàn mới thật tiêu dao,
Người nghiêm tử, khí tượng lại anh hào.
Giúp vực Hán sợi tơ còn để tiếng,
Không thèm vinh hoa, thích nhàn là sướng.
Danh lợi mà chi, phú quí ấy mà chi,
Bên hoa ngắm rượu, dưới nguyệt ngâm thi.
                                      (Công luận, số 2587, ngày 26+27-2-1933)

ĐÊM KHUYA Ở NHÀ QUÊ 
HÀN MẶC TỬ

Lều tranh lạnh lẽo mất canh thâu,
Lạnh cỏ cây trời lạnh đến đâu…
Hé cửa nhìn trăng trăng tái mặt,
Gài then thắp nến nến rơi châu.
Chiêm bao bóng lẩn Dao Trì động,
Mường tượng hồn chơi thệ thủy cầu.
Năm ngón đường tơ ngồi dậy bấm,
Gió quên than thở dế quên sầu.
                                                        (Công luận, số 2599, ngày 12+13-3-1933)


GỞI CHO NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT 
LỆ THANH

Tuy không quen biết bao giờ,
Mà trong thanh khí hững hờ sao đang.
Ra chi chọn đá thử vàng,
Ở trong thiên hạ ngang tàng mấy ai.
(Công luận, số 6766, ngày 23-2-1935)

PHÚT MƠ MÀNG
LỆ THANH

Đêm hôm qua,
Giấc mộng sa đà;
Anh nằm trông thấy bông hoa tơi bời.
Sóng lòng vơi vơi,
Nỗi lòng chơi vơi;
Buồn tình anh nhớ đến người năm xưa.
Xuân đang vừa,
Duyên lứa đang vừa;
Ước ao ao ước em chờ “vu qui”.
Ôi, thời gian đi…
Lỡ mất giai kỳ;
Gặp anh buổi ấy em liền thương ngay.
Không rượu mà say,
Rứa mà say;
Đôi ta hớn hở với ngày xuân sang.
Tích tịch tình tang,
Tình tình tang…
Ai hay ly biệt đoạn tràng từ đây.
Mịt mù nước mây.
(Công luận, số 6790, ngày 23-3-1935)

HÌNH ẢNH XƯA 
PHONG TRẦN

Nắng chiều nay bặt tiếng xuân tiêu
Thôi, hát cùng em điệu hát chiều.

(Yến Lan)

Tung ánh sáng, đốt tan bầu lặng lẽ,
Xé màn đêm xe đến bóng Tiên Nga.
Ta cảm thấy ma thiêng trong quạnh quẽ,
Moi tim gan than khóc giữa bầu hoa.
*
Máu ngàn xưa phun rơi trên màn thắm,
Trong hư vô, diêu động mảnh tim sầu.
Ta rung rẩy giương lên tầm mắt sáng,
Tìm trong không bức ảnh nhạt từ lâu.
*
Cảnh rùng rợn phai tình trong mê sảng,
Với ma thiêng dần hiện giữa màn hoa.
Giây hư huyễn gieo ra từng mảnh đạn,
Muôn lạy ngươi, mau kíp hãy dang ra,
Muôn lạy ngươi, mau lặng khỏi tim ta.
*
Van ngươi thôi! Vụt tắt bóng điêu tàn,
Đừng chôn ta mê man trong hỗn trận.
Ma thiêng hỡi! Giấu đi tia hốt hoảng,
Để ta cam trơ trẽn với số phần,
Để ta cam trơ trẽn phận Phong Trần…
                                      (Công luận, số 7794, ngày 2-9-1938)

SỐNG KHỔ VÀ PHẤN ĐẤU
HÀN MẶC TỬ

… Sao tôi thấy cuộc đời máu me lênh láng
Như bãi sa trường trong lúc hỗn loạn.
Sao tôi thấy dân chúng bị lầm than,
Dưới bóng mặt trời đầy rẫy hào quang.
Ngán thay! Cuộc đời sống khổ!
Nào non sông mưa mưa, gió gió,
Nào trời đất lơ láo, láo lơ.
Phủ màn mây ảm đạm, mịt mờ,
Như biến mất vào trong cõi mộng.
Kìa đại hải, kìa tràng giang ầm ỳ tiếng sóng,
Như bất bình tức tối đấng Cao xanh…
… Nào những ai tự phụ bực tài danh,
Trong cảnh huống càng nên phấn đấu.
Phải, phấn đấu dầu đường đầy những máu,
Cứ hùng cường, dũng liệt bước lên.
Đạp cho bằng trở lực của thiên nhiên,
Là những sự chướng gai thường thế lộ.
Hãy tự mình bền gan tiến thủ,
Chí không lay thì trở lực phải lung lay.
Rồi bao nhiêu nỗi thống khổ đắng cay,
Lần lần sẽ phẳng lì tiêu tán.
Rồi trời đất quang minh sáng láng,
Đem về cho làn không khí trong xanh.
Nỗi bất bình bên cạnh sẽ thanh thanh,
Làn sóng hận lặng trang trên bãi ải,
Hết ta thán cõi đời là bể khổ,
Phải vậy chăng hỏi khách tài tình?
(Công luận, số 6802, ngày 6-4-1935)


Nguồn: hoingovanchuong

HỘI NHẬP VĂN HÓA BẢN ĐỊA TRONG PHỤNG VỤ




HỘI NHẬP VĂN HÓA BẢN ĐỊA
TRONG  PHỤNG VỤ

Xoang Bộ Lễ Kontum

Việc loan báo Tin Mừng cho người dân tộc ít người trên vùng đất Tây Nguyên khởi đầu từ năm 1848. Đây là vùng đất của nhiều dân tộc bản địa có niềm tin vào các “thần yang”, và thể hiển niềm tin toàn linh đó qua “cầu kinh”, “phong tục tập quán buôn làng” và các “Lễ Hội” …, tạo nên nét văn hóa độc đáo. Chúng tôi xin gọi cách thức thể hiện niềm tin toàn linh đó qua cụm từ : “KHÔNG GIAN VĂN HÓA COÒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN”.
Giáo phận Kontum rất quí trọng văn hóa dân tộc, đặc biệt không gian văn hóa coòng chiêng và những điệu múa dân gian, người địa phương gọi là “xoang” . Những phong tục tập quán của “KHÔNG GIAN VĂN HÓA COÒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN”. được các vị linh mục thừa sai trang trọng tiếp nhận và chuyển hóa những yếu tố mang sắc thái tâm linh vào sinh hoạt Kitô giáo nói chung, vào đời sống phụng tự nói riêng, ngay cả trong nghi thức Thánh Lễ của Giáo hội.
 Dưới ánh sáng Công Đồng Vaticanô II, “Hội nhập Văn Hóa  bản địa” là một trong những phương thế cần thiết và có hiệu quả để loan báo Tin Mừng. Tại giáo phận Kontum, các Thánh Lễ ngoài tiếng phổ thông, thường cử hành bằng nhiều thứ tiếng bản địa khác nhau, kèm theo văn hóa dân tộc như bộ chiêng, bộ gõ, điệu “xoang” bản địa, trong bộ y phục riêng của Tây nguyên.
     Trong những dịp như tháng Đức Mẹ, hay vào những Lễ trọng, . . . người tín hữu dân tộc thể hiện lòng tin yêu bằng những vũ điệu mang phong thái dân tộc có lúc trầm ngấm, có khi vui nhộn. Trong thánh lễ, cộng đoàn hát tập thể các bài trong Bộ Lễ bằng tiếng Bahnar, Jrai, Sơđăng với đoàn “vũ công” “đồng bào” – nói đúng hơn các ngừơi tín hữu đang dự lễ- thể hiện lòng tin bằng những vũ điệu, câu ca tiếng hát cùng với nhịp trống chiêng rền vang theo kiểu của người dân tộc. “Thánh Lễ Tang Chế ” lại càng sâu sắc với những bài hát trong Bộ lễ mang đậm nỗi nhớ thương, nhưng thể hiện được niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau, không ủy mỵ, mà với nhịp điệu nhẹ nhàng uyển chuyển mượt và khoan thai. Trong dịp lễ Năm thánh giáo phận Mừng 150 năm truyền giáo Vùng dân tộc (1848 -1998) hoặc Đại Năm Thánh 2000, dịp Kỷ niệm 100 năm Mừng ngày thành lập trường Yao Phu (1908 -2008) hay dịp tiếp đón Phái Đoàn Đặc Sứ Toà Thánh người ta có thể nghe vang dội những tiếng ca, điệu “xoang” chen lẫn với những tiếng còong chiêng của anh em Bahnar, Jrai, Sơđăng hòa lẫn làm thổn thức bao tâm hồn. Có thể nói đây là một trong những Lễ Hội Kitô giáo, có chiều kích tâm linh, thể hiện đậm nét niềm tin Kitô giáo và lòng tri ân đối với các thừa sai đã đem Ánh Sáng Chúa Kitô đến nơi miền rừng núi Tây Nguyên này.
Sách “Hlabar Khop” (Sách Kinh bằng tiếng Bahnar, nhà in Kuenot) gồm nhiều bài thánh ca tiếng dân tộc, được phổ nhạc theo cung điệu bài hát Latinh và nhiều bài được các vị thừa sai và anh em người bản địa sáng tác theo cung điệu dân tộc được sử dụng trong phụng vụ cho đến nay. Có thể nói đây là một  điểm son của thánh nhạc trong lãnh vực hội nhập văn hóa bản địa. Có được thành quả này là cố gắng không nhỏ của nhiều nhà thừa sai, trong đó phải kể đến nỗ lực rất lớn của linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng, khi ngài làm Giám đốc Trường Cuénot. Theo tinh thần Vaticanô II về “hội nhập văn hóa” đầu thập niên 70 thế kỷ vừa qua, ngài đã vận động và khuyến khích các thầy, các chú Yao phu có khả năng âm nhạc sáng tác bài thánh ca dùng trong phụng tự theo tiết điệu phong thái dân tộc Tây nguyên..
-              image001Thầy Laurent Ngip, sinh 1929, vào trường Cuenot khóa 1942-1948, bok Thầy vào năm 1964, hiện sinh sống tại Pháp.
-             Và thầy Đôminik Hun sinh 1926 thuộc Giáo xứ Chính Tòa, vào Trường Cuénot khóa 1948-1953, bok Thầy vào 1957.image003
Hai Thầy đã sáng tác trọn Bộ Lễ tiếng Bahnar thông dụng đến ngày nay và  là nền tảng cho những Bộ Lễ sau này.
-             Ngoài ra, từ dịp mừng 150 năm truyền giáo Tây nguyên như gợi hứng cho tinh thần của các tín hữu vùng Tây Nguyên, nhiều bài hát Thánh Ca theo cung điệu dân tộc ngày càng gia tăng cả về mặt số lượng lẫn chất lượng.
-              Bộ Lễ Tang do chú Wer người thuộc giáo xứ Kon Rơbang chấm nhạc, tuy nay ít dùng hơn – vì do lời kinh phụng vụ đã thay đổi -, nhưng bảo lưu được cung điệu thâm trầm, nội tâm và cổ kính của người Bahnar.
-             Hiện nay có nhiều Bộ Lễ cũng như những bài thánh ca bằng tiếng Jrai, Sơđăng… theo phong cách dân tộc với số lượng tăng và mang tính tập thể sinh động nồng thắm hơn.
Bộ Lễ bằng tiếng Bahnar của 2 thầy : Thầy Ngip, thầy Hun lâu đời được cộng đoàn dân Chúa tiếp nhận rất trang trọng, quí mến, vang ca rộn ràng và sốt sắng cùng với đội ngũ xử dụng bộ trống coòng chieêng được tấu trình điêu nghệ, nâng tâm hồn người tín hữu lên với Đấng Tối Cao.
Đối với anh em dân tộc, bộ còong chiêng đòi phải có đội ngũ múa “xoang”. Vào thập niên 70, nhân dịp mời Đức Giám mục Phaolô Kim ban Bí Tích Thêm sức tại giáo xứ Plei Kơbei, một giáo xứ người dân tộc Jrai lâu đời vùng Sa-Thầy, linh mục chánh xứ Simon Phan văn Bình tổ chức đoàn rước với điệu múa “xoang” theo phong cách người dân tộc. Điệu vũ mang tính quần chúng đã thu hút được nhiều anh em tham dự. Nhìn cả đoàn lũ đông đảo những người “xoang “ Bộ Lễ Bahnar khiến những người tham dự hôm đó đã không nén được xúc động. Từ đó, khi cử hành phụng vụ, nhất là những ngày Chúa Nhật, Lễ Trọng, đều có “xoang”, Coòng-Chiêng, đoàn vũ  trong những bộ y phục rực rỡ màu sắc hoa văn dân tộc, có lúc 50, có lúc 200 thanh niên nam nữ hoặc tất cả cộng đoàn tham dự phụng vụ cùng “xoang” theo tiếng Coòng-Chiêng thật sốt sắng. Cha Simon Phan văn Bình còn cho đội Coòng-Chiêng đi nhịp nhàng trang trọng quanh bàn thờ khi chầu Mình Thánh Chúa và trong Thánh Lễ sau khi linh mục Truyền Phép như đoàn ca múa dân Do Thái chung quanh Hòm Bia Thiên Chúa thời Cựu Ước.
Dần với thời gian, nhờ việc “hội nhập văn hóa” trong phụng vụ, đã giúp anh em người sắc tộc ngày càng xác tín mạnh mẽ hơn niềm tin của mình nơi Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ. Cũng qua đó, giúp họ ngày càng gắn kết với nhau, với các anh em sắc tộc khác. Ta cũng có thể nói, việc“Hội nhập văn hóa” trong phụng vụ là yếu tố không thể thiếu, nó như da thịt của người Tây nguyên; nó là yếu tố gắn kết con người toàn diện, với bản làng, với nếp sống tâm linh, cùng với Đấng Vô Hình. Người Tây Nguyên thể hiện và sống thật con ngừơi của mình: “CON NGƯỜI TÔN GIÁO” vậy.

KONTUM 2013
Lm. GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN
(Nguồn: http://gpkontum.wordpress.com)


Lễ Đức Mẹ Măng Đen 2012-Hát Bộ lễ tiếng Dân tộc của Thầy Laurent Ngip

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

VỀ MỘT BÀI THƠ TẢ CẢNH LỤT NĂM 1938 TẠI KON TUM




VỀ MỘT BÀI THƠ TẢ CẢNH LỤT NĂM 1938 
TẠI KON TUM


Khúc sông Dak Bla trước mặt nhà thờ Tân Hương dọc theo con đường Bạch Đằng, Tp Kon Tum đã uyển chuyển khi bồi khi lở từ bờ phía Nam hoặc lên bờ phía Bắc; có khi lở đến sát chân đồi Gò Mít nơi nhà thờ Tân Hương hiện nay tọa lạc. Vào thập niên 1930-1940, dòng sông đã chảy sát hừng Xóm Sũng (xóm trước nhà thờ Tân Hương) và làng Kon H'rachôt hiện nay. Vào thập niên 1940-1950, dòng sông này lại chia ra thành hai nhánh tạo thành hai cù lao (đồn cát) – cù lao ông Kiểm Thương (cha của ông Khiêm (+), bà Thuyền, bà Quyên) nằm thẳng trước đường Trần Phú kéo dài bây giờ và cù lao ông Xã Muồi (cha của linh mục Võ Văn Sự (+)) nằm phía dưới cầu Dak Bla khoảng 100-150 mét. Nhờ cù lao này (cù lao ông Xã Muồi) mà trước kia người ta đã bắc được một cây cầu bằng gỗ thấp và cong nối liền hai bờ Bắc Nam. Hai cù lao này đã bị xoá đi sau cây lụt lớn vào năm 1972. Theo truyền tụng cứ mỗi chu kỳ 20 năm, Kon Tum có một cây lụt lớn (1932-1952-1972….). Dường như chu kỳ này ngày nay đã lệch vì sinh thái ở Kon Tum đã đổi thay khi mật độ dân số gia tăng và nạn phá rừng để làm nương rẫy, khai thác gỗ trở nên phổ biến.

Khúc Kroong Blah đoạn đường Bạch Đằng 
(Ảnh: sưu tầm trên IT)

Dakbla mùa nước cạn

Ảnh: LMS sưu tầm và ghi chú thích năm 2006

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Kỳ quặc chơi chim


Nhà Văn Nguyễn Xuân Hưng


Chim hiển nhiên là một loại động vật rất đẹp, chúng muôn hình vạn vẻ, tiếng hót trầm bổng vô vàn thanh điệu. Nhưng chúng có thể bay lượn, cho nên loài không bay lượn là Con Người không mấy khi lại có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của nó. Do đó, lồng chim ra đời.
Hiển nhiên là lồng chim không thể nhốt được mọi loại chim. Do vậy, người ta được thưởng thức không nhiều chim đẹp hót hay. Không nhiều cho nên nó quý, giá cao. Đó là quy luật cung cầu mà môn kinh tế học phát hiện, không liên quan gì đến loài chim. Và một ngành kinh tế chim ra đời. Dạo quanh Hà Nội, dễ dàng thấy các sản phẩm của thị trường chim. Lồng chim đủ loại, “thiết bị” cho chim uống nước, đồ dùng cho chim ăn, thức ăn cho chim (loại công nghiệp) và giun, dế, hạt kê, các loại hạt… cho chim (loại có nguồn gốc thiên nhiên); và dĩ nhiên hàng hóa trước hết là chính… những con chim.
Người chơi chim hẳn là một mẫu người công dung ngôn hạnh, mặc dù họ là nam nhi. Tướng lĩnh có thể ra trận thét ba quân run sợ; chủ doanh nghiệp có thể nắm hầu bao của hàng vạn nhân viên; sếp to vật vã có thể nói một lời hàng vạn người ghi không sót; hoặc có anh họ Chí Phèo không coi ai ra gì, hoặc có anh thuộc loại xã hội đen… Song, lạ thay, đứng trước loài sinh vật bé xíu xíu là con chim, các bậc đại trượng phu nam nhi đó đều trở nên nữ tính như nhau. Nói cũng nói nhỏ vừa nghe, làm gì động đến cái lồng chim cũng gượng nhẹ. Lạ sao?
 Nghề chơi chim cũng nhiều công phu. Không có tay chơi, chắc là không chơi được. Nhưng, trước khi bàn đến tay, thì phải dùng đến túi. Giá một con chim hay không ít tiền. Mà dân chơi chim tính bằng ngoại tệ có hình tổng thống Mỹ. Xê dịch từ vài trăm đến vài nghìn, có con đến vài chục nghìn. Xách cái lồng nhẹ tênh mà giá trị ngang với con xe bóng cóong chạy trên đường. Khi có con chim ấy rồi, thì cái lồng không thể thường, nó được chạm trổ tinh vi, nhìn như lâu đài thu gọn. Để làm gì? Dĩ nhiên để nhìn cho đẹp, nhưng căn bản là khi nhìn cái lồng ấy, bạn cũng nảy ra điều ước, giá mình biến nhỏ lại bằng con chim thì ở trong cái lâu đài ấy cũng... sướng.
Nghề chơi chim dĩ nhiên cũng phải có bí quyết. Cho ăn thế nào, chăm sóc ra sao để có con chim hót hay. Lúc nào trùm vải quanh lồng, lúc nào bỏ ra… vân vân. Thế là hình thành một thành phần trong thị trường lao động, đó là gia sư chim. Có anh lên đời nhờ mua chim về huấn luyện rồi mang bán.
Đã là bí quyết thì chả ai lộ ra. Nhưng trong nghề chơi này, có một “công đoạn” mà ai cũng biết. Đó là họp chim, hay nôm na là so chim.
Chim, thường thì nó bay nhảy trên cây, vèo một cái là tìm nhau được rồi. Trong đời con chim tự do lang bang, nó có thể gặp hàng nghìn con chim khác. Nhưng ác hại thay cho con chim trong lồng, cả đời nó lẽ nào chỉ quay đi quay lại nhìn thấy bản mặt ông chủ. Vậy thì ông chủ phải có nghĩa vụ tạo ra cơ hội cho nhiều con chim biết nhau, không phải ông chủ lo cho tự do của chim, mà là lo cho lỗ tai ông chủ. Con chim có tự do, có tiếp xúc, có giao lưu thì giọng hót của nó mới hay. Trong tiếng hót của nó có cảm hứng giao tiếp, và có sự học hỏi, bắt chước con chim khác hót hay hơn nó… Thực ra, tự do đâu phải là vì con chim nó muốn bay nhảy, mà đó là một cách hoàn thiện “điểu cách” của con chim. Không cho chim đi họp một thời gian thử xem, nó sẽ ủ rũ và hết giọng. Vậy thì theo lập luận của ông chủ, không cần bay lượn trên cây cũng có thể hoàn thiện "điểu cách", tức là ông ấy phải chăm cho chim đi họp chim, so chim.
Có quan sát con chim, mới ngộ ra nhiều điều. Con người hiếm tìm thấy ông chủ toàn diện như ông chủ chim. Cho nên mới hiểu vì sao con người lại cần tự do, cần đi du lịch, cần ngao du sơn thủy, cần đi cà phê bia bọt với đồng loại đồng giới và thỉnh thoảng không bị vợ ghen để chiêm ngưỡng đồng loại khác giới… Văn nghệ sĩ thường bị chê là lăng nhăng, thử hỏi, nếu không "lăng nhăng" như con chim, thì có hót hay được hay không?
Có một địa điểm rất hay, bên một góc Hồ Thiền Quang, chỗ ngã tư Nguyễn Du- Trần Bình Trọng. Ngày hai buổi, sáng và chiều, các tay chơi chim mang lồng chim đến đó, treo thành một dãy, rồi gọi tách cà phê, rung đùi nhìn chim, chăm chú nghe chim hót. Tôi phát hiện ra đám các tay chơi chim, ngoài tiền bạc và công dung ngôn hạnh, còn cần cả thời gian và cần có lúc sống chậm. Thì ra, chim quý vì con người thu nhận được rất nhiều qua công cuộc chơi chim. Trớ trêu thay, mất một ít tính thiện vì nhốt chim vào lồng, làm méo mó "điểu cách", mà từ đó hoàn thiện "nhân cách". Mới hiểu vì sao người ta hô hào bảo vệ môi trường, thì vẫn không thể nào ngừng việc bắt chim cho vào lồng.
Một câu hỏi mà tôi chưa tìm ra lời giải. Sao chưa thấy có bà nào, cô nào, chị nào chơi chim ở cái chợ chim gần cơ quan tôi ấy. Có lẽ, nữ giới nhìn thấy chim thì thích, và họ chơi chim bí mật ở đâu đó chứ không công khai chăng? Hoặc là, con chim vốn có nhiều đức tính của nữ giới: đẹp, hót hay, khiến các ông chồng say mê, nên phụ nữ nhìn thấy chim trong lồng là ghen ghét, mà họ chỉ yêu con chim bay trên trời, nhảy trên vòm cây thôi.
Ra thế, công cuộc bảo vệ môi trường chỉ mới đạt thành tựu ở 1/2 nhân loại. Tôi ngạc nhiên là Liên hợp quốc không chỉ định một phụ nũ vào chức Tổng giám đốc Ủy ban bảo vệ chim. Đến khi đó, thì nơi nơi chỉ còn chim bay trên trời, và ngành kinh doanh chim trong lồng sẽ tàn lụi.

(nguyenxuanhung.com)

PLEIKU CỦA AI...



Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng
GĐ Hãng Phim Hội Nhà Văn VN

Tôi trên đường hành phương Nam, chỉ ở Pleiku đúng một ngày hai đêm. Song Pleiku cũng đủ để lại một dư âm thú vị. Ấn tượng ban đầu của du khách, đó là cảm giác thở phào nhẹ nhõm khi thấy Pleiku, sau khi đi hàng chục cây số đường ổ voi dẫn vào thành phố. Dù cho bạn đi từ Kon Tum hay Buôn Ma Thuật vào, hay đi từ Quy Nhơn đến, đường đều đã xuống cấp lắm rồi… Thành ra, Pleiku như một điểm tựa cho du khách trên đường thiên lý đến Tây Nguyên…
Thành phố tầng cao tầng thấp do núi non, dốc xuống rồi lại lên. Song, lạ thay, điều này ngược với Đà Lạt, đó là Pleiku rất nhiều đèn xanh đèn đỏ ở các ngã ba, ngã tư. Đà Lạt cũng có địa hình như Pleiku, nhưng hoàn toàn không có đèn xanh đèn đỏ. Bởi vì theo người Đà Lạt, giữa dốc dừng xe là một động tác không an toàn. Cùng một điều kiện tự nhiên, nhưng ứng xử của con người hai nơi hoàn toàn khác nhau. Quan sát một cách xử lý này, thì thấy ngay người (hay chí ít là cán bộ) ở Pleiku rất máy móc, và nhìn nhận luật giao thông như một bộ luật vô nhân tính. Luật giao thông “bảo thế” thì cứ làm thế. Việc dừng xe giữa dốc là việc của dân phải làm.
Pleiku có lẽ có tỷ lệ các quán cà phê trên những con phố chính là nhiều nhất nước. Quán cà phê Pleiku hoành tráng. Những quán tầm tầm ở đây, chỉ có thể so với quán rất sang trọng trên các phố gần hồ Hoàn Kiếm. Thế là tôi thấy Pleiku có một cái hơn hẳn Hà Nội. Cà phê quán ở Hà Nội rất ít quán “uống được”, cà phê pha đặc kịt như hắc ín, đắng khét. Hình như đó là loại cà phê mà tỷ lệ bột không phải cà phê khá nhiều. Về khoản này, người Pleiku có nỗi sung sướng riêng. Cà phê là cây nhà lá vườn của họ.


Quán Cà phê Pleiku rất nhiều phụ nữ. Phụ nữ ngồi với phụ nữ, và hầu như đàn ông ngồi với đàn ông. Đó cũng là một đặc điểm của người thưởng thức thứ nước uống trồng ở vườn nhà. Dường như họ thanh thản, coi thứ nước uống này chả ra gì, quá thường, thứ mà ở các thành phố lớn xa xôi nâng niu, coi đó là sang trọng…
Ở Pleiku, có một hình ảnh “lấn chiếm” phố xá, đó là “Hoàng Anh Gia Lai”. Dĩ nhiên rồi. Ông chủ Hoàng Anh nào đó đã gắn chữ Gia Lai vào nhãn hiệu thương mại của mình, khiến cho cả tỉnh đều tự hào, cứ như ông ấy không còn là Đoàn Nguyên Đức nữa. Nhưng tôi phân vân, không biết tập đoàn này đóng góp được bao nhiêu cho sự phồn vinh của Gia Lai? Tập đoàn này làm gì cho Pleiku sau khi đã khuynh đảo thị trường gỗ, cao su, cà phê khắp Tây Nguyên và Đông Dương…
Pleiku theo quan sát của tôi, cũng là thành phố không đọc sách báo. Mua được một tờ báo ở thành phố này rất khó, đừng nói hình ảnh một người đọc báo ở quán cà phê. Vậy thì khi đợi giọt cà phê nhỏ xuống, người ta làm gì? Thế mới biết Pleiku thật bình yên và vô sự.
Viết đến đây, tôi không thể không nhắc đến Văn Công Hùng. Với tôi, Pleiku trước hết là thành phố của Văn Công Hùng. Bằng Facebook và web cá nhân của Hùng, hàng vạn người biết đến đất và người Pleiku. Tôi không có quan hệ thân với Văn Công Hùng, chỉ đọc anh qua mạng xã hội, đôi khi anh cũng sến sẩm, nhưng anh ấy yêu say mê Pleiku và muốn Pleiku với những con người có chiều sâu Tây Nguyên… Hoạt động văn hóa ở một thành phố trẻ núi non trùng điệp giữa cao nguyên, mà được như anh ấy là đáng ngưỡng mộ rồi. Văn hóa không phải đến bằng tổ hợp khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, cũng không thể đến bằng tượng đài, khẩu hiệu. Mà văn hóa được gìn giữ, nhân lên từ những con người tiêu biểu của một vùng đất. Những tạp chí văn nghệ của hội địa phương vì sao có nơi lại nổi mầu lên được, mà có nơi lại nhạt thếch? Đó là vì con người. Đôi khi một thành phố, một tỉnh, chỉ cần có một cây bút giỏi. Chưa nói hay, nhưng hãy tạm công nhận là giỏi đã. Tôi đã ngồi chém gió với Văn Công Hùng một lúc, trước khi từ giã Pleiku để hành phương Nam. Nếu Pleiku không có Hoàng Anh Gia Lai, chưa chắc đã không tốt, nhưng nếu Pleiku không có Văn Công Hùng, thì thành phố sẽ rất thiệt thòi và nghèo nàn…
Tôi đã chém gió nhiều chuyện. Hình như còn nhớ chuyện, tôi đã đến Đức Cơ, nhìn thấy một cái nhà rông dựng ở sân Ủy ban xã, một bên là nhà rông, một bên là Đài liệt sĩ. Nhà rông cũng đúng mẫu mã, nhưng cái mái thì là mái tôn, qua thời gian mốc meo. Làm được một cái nhà, sao không lợp cho cái mái nó truyền thống? Đài liệt sĩ xây rõ to và bề thế, đúng rồi, nhưng nhà rông thì mái tôn và hoang lạnh. Văn Công Hùng thở dài rõ dài, đó là điều anh đã rất buồn và “kêu khóc” đã nhiều năm…
Đại khái thế… Không nhiều thành phố tôi đi qua, mà lại gọi được một người bạn không thân không sơ, chém gió về số phận của người và đất quê nơi đó, rồi sau một phin cà phê lại lên đường…


(Nguồn: nguyenxuanhung.com)